A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông hằng năm

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Cơ quan chức năng đã xử lý trên 65 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước trên 33 nghìn tỷ đồng; xảy ra 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 07 cán bộ hy sinh, 186 cán bộ bị thương.

Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết vì tai nạn giao thông (Nguồn ảnh: cand.com.vn)

Ngoài ra, các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, đã phát hiện, xử lý hơn 40 nghìn vụ vi phạm pháp luật hình sự trên tuyến giao thông, bắt hơn 14 nghìn đối tượng. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như: Vụ biểu tình phản đối công ty Formosa trên tuyến quốc lộ 1A vào các năm 2016, 2017; biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu trên tuyến quốc lộ 1A tại Bình Thuận vào năm 2018; tụ tập đông người gây cản trở giao thông tại các trạm thu phí BOT trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019…

Tình trạng hỗn loạn tại Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vào cuối năm 2017 (Nguồn ảnh: nld.com.vn)

Từ năm 2009 đến nay, phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng (cả đường sá và điểm đỗ xe), điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến hết sức phức tạp, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã chủ động tập trung thực hiện công tác điều tra cơ bản tuyến, nắm chắc tình hình, giải quyết những vấn đề phức tạp về trật tự ATGT ngay khi mới phát sinh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy; xe chở quá tải, xe quá niên hạn sử dụng… phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền đoàn viên, thanh niên, hội viên và Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông; lắp đặt camera để xử lý vi phạm ATGT trên đường; khảo sát duy tu, sửa chữa đường hư hỏng, biển báo, đèn chiếu sáng…

Hoạt động kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy và nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Kon Tum

Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế… Vấn đề này chỉ có thể được khắc phục hiệu quả khi có những giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về trật tự an toàn giao thông; nâng cao nhận thức người dân về an toàn khi tham gia giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó có hệ thống đường bộ… Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở nước ta.

Hoàng Phúc