A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường xử lý lái xe sử dụng ma túy, vi phạm nồng độ cồn

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, năm 2021 lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý trên 2,77 triệu trường hợp; phạt tiền trên 2.704,5 tỷ đồng; tạm giữ 459.000 giấy phép lái xe; trong đó, lái xe dương tính với ma túy là 1.802 trường hợp và vi phạm nồng độ cồn là 161.324 trường hợp

Năm 2021, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Với kế hoạch này lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy…

Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong đó, tập trung vào đối tượng xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, ô tô kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc.

Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện, phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh thành lập Tổ công tác để thực hiện việc xử lý vi phạm. Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn phải thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị. Các tổ cảnh sát giao thông phải được trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ, máy đo nồng độ cồn, thiết bị đo thử chất ma túy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật khi đi làm nhiệm vụ. Sử dụng camera đã được trang bị, nhất là camera mini để ghi nhận lại hoạt động trong ca công tác; các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy… Đặc biệt, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy, phải tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ… Việc kiểm soát, xử lý vi phạm được bố trí thành các tổ công tác, do cảnh sát giao thông làm tổ trưởng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Bộ Công an cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tập trung điều tra, làm rõ các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy, rượu bia và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phục vụ cho công tác phòng ngừa xã hội.

Trong 02 tháng ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhân dần năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện và lập biên bản gần 1000 trường hợp, xử phạt gần 800 trường hợp với số tiền phạt gần 800 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước, trong đó có gần 60 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ngoài ra lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông như đã phát hiện 02 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, vận chuyển pháo nổ trái phép. Bên cạnh đó, về công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng đã vận động tự giao nộp và thu giữ được 03 khẩu súng cồn, 01 khẩu súng ru lô bắn đạn chì và 01 khẩu súng kíp.

Rượu, bia là một trong những chất kích thích do đó sẽ gây ra nhiều tác động đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông như không làm chủ được tay lái, thiếu tập trung, giảm khả năng nhận biết, phán đoán và phản ứng chậm khi xử lý với những tình huống bất ngờ trên đường. Ngoài ra, khi đã uống một lượng lớn rượu, bia sẽ làm cho người điều khiển phương tiện cảm giác mệt mỏi, dễ buồn ngủ có thể dẫn đến các hành vi nguy hiểm như: Chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách đánh võng… Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi này là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu, chất kích thích.

Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục duy trì tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, phối hợp cùng các lực lượng kiên quyết xử lí đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chất ma tuý khi tham gia giao thông của lực lượng Công an, thì mỗi người dân cần phải tự nâng cao nhận thức để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh. Đã uống rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Một số hình ảnh trong đợt ra quân tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua:

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\ra quân tuyên truyền.jpg

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\xử lý nồng độ cồn 1.jpg

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\xử phạt vi phạm nồng độ cồn.jpg

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\lực lượng chức năng ra quân xử lý các hành vi vi phạm.jpg

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\thổi nồng độ cồn.jpg

Hồng Khanh