A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình trạng công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia và giải pháp ngăn chặn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều trường hợp công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia, sau đó bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động và bị ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

40 người Việt tháo chạy từ casino phía Campuchia về tỉnh An Giang - Việt Nam có 04 trường hợp công dân tỉnh Kon Tum

Qua khai thác thông tin từ các nạn nhân, được biết: Thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ, lương cao (từ 700 - 1.000 USD/tháng), không cần kinh nghiệm và chuyên môn, chỉ cần biết đánh văn bản máy tính là được. Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và hẹn gặp nạn nhân tại các tỉnh như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... Tiếp theo, chúng dùng xe trung chuyển các nạn nhân đến các tỉnh giáp biên Campuchia như Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang,...  dùng các thủ đoạn qua mặt lực lượng chức năng (thường chúng sẽ dùng xe máy chở nạn nhân qua các trạm kiểm soát) sau đó tổ chức cho các nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng các đường tiểu ngạch. Qua Campuchia sẽ có các đối tượng trong đường dây đón và đưa đến các khách sạn hoặc sòng bài.

Tại đây, các nạn nhân sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, bị bót lột sức lao động, cưỡng bức làm việc (15 đến 16 tiếng/ngày), nếu không thực hiện sẽ bị đánh đập, tra tấn. Những người từ chối làm việc và muốn quay về Việt Nam thì bị bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường từ 2.000 đến 4.000 USD thì mới được thả còn không sẽ bị bán cho công ty khác, thậm chí bị đẩy đến các khu vực giáp Thái Lan.

Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các lực lượng chức năng, Công an các tỉnh giáp biên Campuchia, Hội Việt kiều tại Campuchia tiến hành thu thập và xác minh, qua đó ghi nhận 20 công dân tỉnh Kon Tum bị lôi kéo, dụ dỗ sang Campuchia trái phép làm việc nhẹ, lương cao và bị ngược đãi, làm việc quá giờ, bị chủ sử dụng lao động hành hạ, đối xử không công bằng.... Trong đó, có 01 trường hợp chết trong quá trình bỏ trốn trở về Việt Nam, 13 trường hợp được giải cứu và được người thân chuộc tiền về địa phương, còn 06 trường hợp đang làm việc tại Campuchia.

Một công dân trên địa bàn được lực lượng Biên phòng tỉnh Kon Tum giải cứu

Thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn bị dụ dỗ, lao động trái phép tại Campuchia và các nước, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức, những hệ lụy tiềm ẩn khi tham gia xuất cảnh lao động trái phép; tuyên truyền về các quy định tuyển dụng, sử dụng lao động, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động nắm bắt, tìm việc, hạn chế tình trạng người lao động tự tìm việc qua kênh không chính thống, ngăn ngừa rủi ro cho người lao động.

Bên cạnh đó, người dân phải tích cực phối hợp với lực lượng Công an, các lực lượng chức năng, tuyệt đối không nghe theo những lời rủ rê, lôi kéo sang nước ngoài trái pháp luật; tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống nạn mua bán người vì sự an toàn của chính mình và mọi người.


Tác giả: Thanh Hùng