A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Y Bó

C:\Users\Admin\Downloads\5e319d12edfd23a37aec.jpg

Sinh năm: 1926

Dân tộc: Xơ Đăng

Nguyên quán: Làng Kon Chôn, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (nay là làng Kon Rế, xã Ngọc Vang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

Có hai con, cả hai đều là liệt sĩ: A Nôi, hi sinh tháng 4/1974; A Nor, hi sinh tháng 9/1971.

Theo lời kể của bà Y Veng (chị của mẹ Y Bó) và A Đua (cháu ruột của mẹ Y Bó): Mẹ Y Bó lấy chồng năm 1944, từ khi lấy chồng đến năm 1954, đều sinh sống tại làng Kon Chôn, xã Đăk Ui (nay thuộc xã Ngọc Vang), huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Năm 1954 đến năm 1958, mẹ Y Bó tham gia dân công, tải đạn, gùi gạo cho bộ đội du kích, mẹ nuôi giấu các anh bộ đội trong nhà của mình. Năm 1958, mẹ bị bệnh sốt rét qua đời.

Chồng của Mẹ là ông A Nó, sinh năm 1915, mất năm 1983. Năm 1954, A Nó tham gia cách mạng, đến năm 1960 bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng ông kiên quyết không khai nên chúng đã bắt nhốt tù ba năm (từ năm 1963 đến năm 1966) tại thị xã Kon Tum. Khi ra tù, ông A Nó tiếp tục tham gia cách mạng. Ông A Nó được tặng Huân chương kháng chiến hạng hai.

Bố mẹ của Y Bó có ba người con gái và hai người con trai, cả ba chị em đều tham gia dân công và có nhiều đóng góp cho cách mạng như: Nuôi giấu cán bộ cách mạng, ủng hộ nhiều lương thực và trâu, heo, gà…

Hai người con trai của mẹ Y Bó là A Nôi đi bộ đội, A Nor tham gia du kích xã từ rất sớm (khi mới 15,16 tuổi). Cả hai người con trai của mẹ Y Bó đều chưa có vợ cho đến ngày hi sinh. Khi mẹ Y Bó bị bệnh qua đời, hai anh em A Nôi và A Nor được mẹ Y Veng (chị ruột của mẹ Y Bó) chăm sóc, nuôi dưỡng. Y Veng thay em của mình tiếp tục nuôi giấu cách mạng.

A Nôi thoát ly tham gia cách mạng vào tháng 02 năm 1970. Anh là một chiến sĩ giao liên nhanh nhẹn. Tháng 4 năm 1974, Thị uỷ Kon Tum phân công anh làm nhiệm vụ đưa công văn, giấy tờ. Trên đường đi, anh bị địch phục kích tại làng Đăk Tem, xã Đăk La, thị xã Kon Tum. A Nôi trúng đạn, vết thương quá nặng và anh đã hi sinh.

A Nor sinh năm 1957, là chiến sĩ du kích mưu trí gan dạ, anh đã hi sinh vào ngày 07 tháng 9 năm 1971 trong khi du kích xã đang phối hợp với huyện đội đi đánh địch ở cầu Nước Nhiâm.

Trên mảnh đất Ngọc Vang hôm nay, những hố bom thù năm xưa đã được san lấp. Thay thế vào đó là sự trải dài màu xanh bát ngát của một vùng cây công nghiệp. Cuộc sống người dân nơi đây đã bớt cơ cực, khó khăn, thôn làng yên vui, đường xá rộng mở, điện đã được kéo về thắp sáng trong mỗi gia đình.

Mẹ Y Bó cũng như bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác đã một đời chịu đựng, hi sinh, cống hiến để đất nước có được hoà bình ngày hôm nay. Giờ đây, yên nghỉ trên mảnh đất quê hương đã sạch bóng quân thù, chắc Mẹ vui, yên lòng với giấc ngủ ngàn thu. Ngày 27/8/1995, Mẹ là một trong 44 Người mẹ đầu tiên của tỉnh Kon Tum được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó là niềm vui lớn, niềm tự hào đối với quê hương Đăk Hà, là niềm an ủi sâu sắc đối với những người thân của Mẹ.

Ngày nay, một cung đường đẹp tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla (thuộc phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) được mang tên của Mẹ. Đây là Khu đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc diện hiện đại bật nhất tại tỉnh Kon Tum ở thời điểm hiện tại.

Dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hi sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói chung, Mẹ Y Bó nói riêng sẽ sống mãi!

Thành Dược

Trích lượt từ “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”-Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003