A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểm họa khó lượng từ việc sử dụng điện thoại khi lái xe

 

Quy định cấm sử dụng điện thoại khi đang tham gia điều khiển phương tiện giao thông đã có từ lâu. Tuy nhiên hiện nay khi đi trên đường hoặc làm hành khách đi trên các tuyến đường dài bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tài xế vừa lái xe vừa gọi điện thoại hoặc nhắn tin. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian vừa qua liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ việc các lái xe “mải” nghe điện thoại khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông được xác định là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hành vi này lại đang xảy ra khá phổ biến đã tạo ra nhiều bất an cho những người tham gia giao thông. Đáng lo ngại hơn là những hành vi vi phạm này lại đang được nhân rộng với sự tham gia của nhiều lứa tuổi, nhiều phương tiện tham gia giao thông trên đường. Không chỉ có người điều khiển ô tô, hiện nay rất nhiều người vừa lái xe mô tô, xe gắn máy và vừa nghe điện thoại nên dễ mất tập trung khi điều khiển phương tiện vì vậy rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

     Thói quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại vẫn còn xảy ra khá phổ biến

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân do tài xế mải nghe điện thoại, mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 18/3/2017 tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, do sử dụng điện thoại khi đang lái xe nên lái xe Trần Ngọc Thanh đã mất tập trung và đâm vào xe tải đang lùi ra đường, vụ tai nạn đã làm 3 người tử vong và 18 người khác bị thương, hay như vụ tai nạn tại huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh, lái xe Nguyễn Văn Linh do nghe điện thoại khi lái xe nên đã mất tập trung đã điều khiển xe tông vào nhà dân làm cho 02 người tử vong; ngoài ra hàng ngày có rất nhiều các vụ va chạm giao thông xảy ra mà nguyên nhân là do người dân vừa lái xe vừa nghe điện thoại, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các lái xe trong việc chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Chiếc xe chở học sinh bị biến dạng sau vụ tai nạn tại Gia Lai

Theo Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động trên đường bị phạt tiền 600 đến 800 nghìn đồng, tước GPLX từ 1 – 3 tháng; còn người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự bị phạt mức 100 – 200 nghìn đồng.

Hiện nay việc xử phạt những người vi phạm về hành vi này rất khó khăn vì không phải lúc nào cũng có lực lượng CSGT túc trực ở trên đường để kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, ngoài ra các lỗi vi phạm này nếu xử phạt thì phải có hình ảnh chứng minh rằng họ đã vi phạm, nếu không có hình ảnh thì những người vi phạm có thể họ sẽ chối cãi về những lỗi mà họ đã vi phạm.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, các nhà xe, công ty quản lý phương tiện cần lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình cùng với camera giám sát lái xe khi ngồi trên cabin. Riêng đối với các lái xe cần nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa với sự an toàn của bản thân và người tham gia giao thông trên đường, tuyệt đối không nên vừa lái xe vừa nghe điện thoại, còn nếu nghe điện thoại thì hãy dừng xe để nhận cuộc gọi, nhằm tránh được những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.


Hồng Khanh (Phòng Công tác Chính trị)