A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông

 

Khi tham gia giao thông, rất nhiều tình huống có thể xảy ra mà chính mỗi người chúng ta không thể lường trước được. Sự va chạm giữa các phương tiện đôi khi chỉ là do sự vô ý của người điều khiển nhưng với một suy nghĩ tiêu cực thì đó lại là nguyên cớ của những hành vi ứng xử thiếu mẫu mực không đáng có.  Chính vì vậy, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông đang là vấn đề bức thiết đặt ra trong xã hội hiện nay.

Có thể nói, văn hóa giao thông là đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ đối với xã hội hiện nay. Khi một cộng đồng cùng tham gia lưu thông trên đường, rất cần ý thức tự giác, cách hành xử có văn hóa của mỗi người để trật tự giao thông luôn được duy trì, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của mỗi cá nhân. Dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng và Nhà trường về ý thức văn hóa khi tham gia giao thông nhưng trong thực tế khi xảy ra va chạm giao thông để có cách ứng xử bình tĩnh, êm đẹp thì không phải cá nhân nào cũng làm được.

Va chạm giao thông là điều không ai muốn nhưng quan trọng là cách cư xử và xử lý tình huống của hai bên như thế nào. Với những vụ va chạm nhỏ, thay vì người đi đường có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, trao đổi, thương lượng một cách ổn thỏa thì sự việc lại bị đẩy lên tới mức đỉnh điểm nên đã có những trường hợp mang thương tật không phải vì tai nạn mà do ẩu đả sau va chạm, thậm chí, không ít đối tượng còn chống đối, hành hung cả lực lượng chức năng. Tuy nhiên, nếu người trong cuộc biết cách giải quyết sự việc một cách có văn hóa, có thiện chí, hợp tình, hợp lý sẽ khiến mọi việc trở nên rất dễ dàng.

Hành vi gây gổ, đánh nhau sau va chạm giao thông trên đường

Thời gian gần đây, dư luận xã hội cả nước không lạ lẫm với thông tin về hàng loạt những vụ ẩu đả, đánh nhau chỉ vì va quẹt giao thông trên đường. Mặc dù nguyên nhân của những trường hợp va quẹt chỉ là do vô ý và hậu quả gây ra là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người điều khiển phương tiện tạo ra là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Có nhiều vụ chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong quá trình tham gia giao thông đã dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, đâm chém gây thương tích, thậm chí là chết người.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tình trạng một số người có hành vi khiếm nhã, thậm chí là bạo lực sau khi bị va chạm giao thông cũng diễn ra khá phổ biến. Vào tối ngày 27/01/2018, Nguyễn Hoàng Sa (trú tại TP. Kon Tum) điều khiển xe ôtô đến ngã ba Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh thì xảy ra mâu thuẩn dẫn đến xô xát với Hoàng Hữu Khánh đang điều khiển xe máy đi sang đường. Sau khi bị ông Khánh đánh nhiều cái vào người, Sa đã dùng cây sắt dài khoảng 1m đuổi đánh và chém ông Khánh khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Như vậy, rõ ràng rằng nhiều vụ va chạm giao thông tuy chưa đến mức truy cứu hình sự nhưng từ cách cư xử thiếu văn hoá đã khiến họ gặp phải những rắc rối, liên quan đến pháp luật; thậm chí nhiều trường hợp họ đang là bị hại nhưng vì quá nóng giận, hành xử theo kiểu côn đồ đã biến thành những bị can, bị cáo.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ý thức của một số người dân về văn hóa tham gia giao thông còn khá hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả ra sao. Có trường hợp giải thích do việc lái xe căng thẳng, mệt mỏi, rất bất bình khi chứng kiến nhiều người đi lại, lưu thông hỗn loạn, bất chấp các quy tắc giao thông nên đã thiếu kiểm soát khi có va chạm. Về góc độ tâm lý, các chủ phương tiện không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc bản thân nên đã có những lời nói, hành động thiếu văn hóa, gây ra mâu thuẫn gay gắt, những hành vi bạo lực không đáng có và nếu họ không quá đề cao cái tôi cá nhân và lợi ích bản thân thì hậu quả của vụ việc sẽ không đến mức nghiêm trọng. Ở khía cạnh khác, việc thiếu hiểu biết về pháp luật cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân tham gia giao thông tự cho mình quyền phán xét, bắt nạt người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt bởi chính hành vi của mình.

Trước thực trạng trên, để góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh của xã hội, các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông, đặc biệt là các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Quá trình tham gia giao thông vốn đã gặp nhiều khó khăn do quá tải về phương tiện và cơ sở hạ tầng, con người chịu nhiều những áp lực từ công việc nên nên việc xảy ra va chạm giao thông là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, va chạm, trước hết người dân phải giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hóa, không có những lời nói hoặc hành động nhằm gây mâu thuẫn với người điều khiển phương tiện đã xảy ra va chạm, tránh đẩy mâu thuẫn lên cao, có thể gây ra ẩu đả, thiệt hại về người và tài sản, đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất đến giải quyết vụ việc. Mỗi người đều thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử văn minh, lịch sự sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Khánh Vi