A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các trường Mầm Non

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo môi trường an toàn cho nhà trường ở tất cả các cấp học, nhất là ở bậc mầm non.

DSC07195

Lực lượng chức năng Công an tỉnh hướng dẫn trẻ em kỹ năng PCCC, kỹ năng bảo vệ bản thân khi có sự cố, cháy, nổ xảy ra

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 387 cơ sở giáo dục, trong đó có 109 cơ sở giáo dục mầm non thuộc diện quản lý về PCCC, trong thời gian qua các cơ sở đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non, việc chấp hành các quy định PCCC và CNCH vẫn chưa thực sự nghiêm túc, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Điều đó đã dẫn tới trong thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ cháy, nổ ở các trường mầm non. Đó cũng chính là một hồi chuông cảnh báo trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các trường học này.

Điển hình, 11h30 ngày 7/5/2019, một tiếng nổ phát ra từ cuộn dây điện nằm sát bức tường của dãy nhà ba tầng tại Trường Mầm Non Lê Mao thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, khói lửa bốc lên ở khu vực này và nhanh chóng lan vào các phòng học lân cận. Sau khi nhận được tin báo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng đến hiện trường và tiến hành dập tắt đám cháy, đồng thời hướng dẫn đưa các em học sinh ra ngoài an toàn. Đám cháy đã gây ra tình trạng hoảng loạn đối với học sinh ở trường, tổn thất một số tài sản và rất may không gây thiệt hại về người.

Các trường mầm non là nơi tập trung đông người, đối tượng học sinh tại các trường mầm non là trẻ em và có nhận thức chưa đầy đủ. Nên khi xảy ra cháy, nổ nó là một mối nguy hại vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của các em học sinh ở đây. Đặc biệt hơn, một số cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn được các Chủ cơ sở tận dụng lại nhà ở hoặc thuê lại nhà ở của người dân hay văn phòng sau đó thay đổi công năng sử dụng nên các địa điểm này thường có diện tích khoảng 150m2, tập trung khoảng 50 đến 60 cháu, đa số các cơ sở chưa bố trí lối thoát nạn đảm bảo theo quy định; không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ các phương tiện PCCC tại chỗ; các cơ sở tự thiết kế, lắp đặt và sử dụng bếp gas công nghiệp để đun nấu; hệ thống điện tại cơ sở không đảm bảo an toàn… luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở này thường tồn tại một lượng lớn chất dễ cháy như: Đồ chơi, dụng cụ dạy học được làm chủ yếu từ gỗ, nhựa, mút xốp… Khi xảy ra cháy không xử lý kịp thời sẽ gây cháy lan, cháy lớn, sản phẩm cháy không hoàn toàn sinh ra nhiều khói khí độc.

Cán bộ, giáo viên làm việc tại các trường mầm non tư thục thường thay đổi liên tục, không được tham gia lớp tập huấn các kiến thức cơ bản về PCCC, nên khi có sự cố cháy, nổ còn lúng túng. Người đứng đầu các cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong công tác PCCC; chưa quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ; hầu hết các cơ sở tập trung toàn bộ bình chữa cháy trong kho hoặc tại phòng bảo vệ, nên khi có cháy việc lấy bình chữa cháy sẽ khó khăn; công tác thực tập cũng chưa thường xuyên và chủ yếu tổ chức tự thực tập với quy mô nhỏ, tình huống đơn giản, chưa thực tập các tình huống cứu nạn, cứu hộ.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn trong PCCC và CNCH, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở mầm non cần lưu ý và thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH sau đây:

Một là, người đứng đầu cơ sở thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC, trong đó tập trung vào việc chấp hành các quy định về thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Hai là, người đứng đầu cơ sở cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH được quy định trong Luật PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Ba là, xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh tại trường.

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực tập phương án PCCC&CNCH, hằng năm chỉnhsửa phương án giả định các tình huống cháy, nổ khác nhau.

Năm là, thường xuyên tổ chức kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập và gây ra cháy, nổ.

Sáu là, không dùng bếp Gas quá cũ vì rỉ sét, nên lau rửa bếp thường xuyên để tránh cặn bã thức ăn bám vào trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van…Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, độ kín của bình, dây dẫn, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng.

Bảy là, quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Bố trí, sắp xếp các chất dễ cháy, các đồ dùng dụng cụ… gọn gàng, cách xa các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nghiêm cấm học sinh nghịch lửa và các thiết bị sinh lửa trong trường.

Tám là, khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, kịp thời hướng dẫn các cháu di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời báo cho mọi người xung quanh và cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.

Mỗi người dân chúng ta cần trang bị cho mình các kiến thức về PCCC và CNCH, không được chủ quan trong công tác an toàn PCCC và CNCH.

Trần Minh