A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với Bảo tàng tỉnh Kon Tum

Bảo tàng tỉnh Kon Tum là công trình kiến trúc văn hóa, nơi hội tụ các di sản văn hoá, lịch sử, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, học tập và nghiên cứu khoa học; lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý hiếm giá trị, vậy nên công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Bảo tàng tỉnh Kon Tum được khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan vào tháng 8/2012, là công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 – 9/2/2013), nằm ngay vị trí điểm đầu cửa ngõ phía nam vào trung tâm thành phố Kon Tum, bên dòng Đăk Bla lộng gió. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 13.110 m2 bao gồm 02 khu vực chính là Nhà trưng bày, diện tích 1.693 m2 với kiến trúc không gian 4 tầng hiện đại mang dáng vóc nhà rông truyền thống của Tây Nguyên và Nhà trưng bày xây dựng kiên cố với 02 tầng, diện tích 500 m2, với kiến trúc rẻ quạt và các công trình, hạng mục phụ trợ khác.

C:\Users\Administrator\Downloads\8efa7e8bc1e79134fe06b3ade6df134d-Bao-tang-Kon-Tum.jpg

Bảo tàng tỉnh Kon Tum

Bảo tàng là cuốn sử sống của tỉnh Kon Tum từ thời tiền sử cách ngày nay khoảng 2,5 – 4 vạn năm, hiện nay lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu. Trong đó, có những hiện vật quý hiếm như: Sưu tập hiện vật khảo cổ học Lung Leng, sưu tập ghè, sưu tập chiêng, sưu tập trang phục, sưu tập hiện vật dân tộc học (đồ đán lát, mây tre, nứa lá,…) cùng với các sưu tập về hình ảnh, hiện vật cách mạng kháng chiến qua các giai đoạn lịch sử,…

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết “Bảo tàng tỉnh Kon Tum có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ các hiện vật, tư liệu về lịch sử phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, lịch sử, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, để tiếp tục duy trì và phát triển Bảo tàng, công tác đảm bảo an toàn PCCC là vô cùng quan trọng và luôn được đơn vị quan tâm, thực hiện, là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý, sử dụng Bảo tàng”.

C:\Users\Administrator\Desktop\4e75bfe574199347ca08.jpg

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC tại Bảo tàng

Tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã trang bị các hệ thống PCCC như: Hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, máy bơm chữa cháy, các bình chữa cháy xách tay, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống chống sét đánh thẳng. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng Công an tỉnh đối với tình trạng hoạt động thực tế của các phương tiện, hệ thống cho thấy: Hệ thống báo cháy tự động tại Khu vực Nhà trưng bày không hoạt động, các máy bơm điện của hệ thống chữa cháy vách tường đã hư hỏng từ lâu, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn hư hỏng hoàn toàn, nguyên nhân do được trang bị, lắp đặt từ lâu, quá trình vận hành không có nhân viên chuyên môn kiểm tra, bảo dưỡng, nếu xảy ra sự cố cháy, nổ thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ngoài ra, những người làm việc tại Bảo tàng chưa được tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho công trình, hệ thống chống sét chưa được định kỳ kiểm tra điện trở hàng năm, công tác thực tập phương án chữa cháy chưa hiệu quả.

Để đảm bảo các điều kiện an toàn, nâng cao công tác PCCC tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, cần chủ động thực hiện các giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, địa phương về công tác PCCC.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC; ý thức chấp hành các quy định về công tác PCCC không những của tập thể, cá nhân trong đơn vị mà toàn thể khách tham quan tại Bảo tàng.

Ba là, duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, đảm bảo đầy đủ phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở tại Bảo tàng.

Bốn là, xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đảm bảo đúng với tình hình thực tế, chi tiết, cụ thể, giả định tình huống và cách xử lý thích hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy với sự tham gia của toàn thể người làm việc, có sự phối hợp của nhiều lực lượng trên địa bàn.

Năm là, chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp phân bổ kinh phí sửa chữa, khắc phục các hệ thống, phương tiện PCCC đã hư hỏng, không đảm bảo hoạt động, mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho công trình; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố hư hỏng phương tiện PCCC.

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC&CNCH)

 


Tin liên quan