A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà

Ngày 11/12/2020 Công an tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 3081/CAT-PC07 hướng dẫn các hộ gia đình, nhà đầu tư các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà ông Lê Văn Dự  (phường 1, TP.Tân An)

Hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà (ảnh: baolongan.vn)

Tại Công văn trên, Công an tỉnh đã đưa ra một số nội dung hướng dẫn cụ thể đối với việc xây dựng hệ thống như sau:

Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình và thực hiện thủ tục nghiệm thu về PCCC trước khi đưa hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của công trình đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC quy định tại Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Phụ lục V, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021 thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ) của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Các hộ gia đình và nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCCC đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, các hộ gia đình và nhà đầu tư cần thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC như sau:

1. Lựa chọn chủng loại hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà

– Đối với tấm pin mặt trời, hiện nay phổ biến gồm 02 loại chính là loại tấm pin dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) và loại tấm pin dạng phim mỏng. Các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể. Do đó, nên sử dụng tấm pin dạng tinh thể và ưu tiên lựa chọn các tấm pin đạt các thử nghiệm về khả năng chịu lửa để lắp đặt cho hệ thống điện mái nhà.

– Đối với inverter chuyển đổi dòng một chiều thành xoay chiều của hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà chủ yếu sử dụng 02 loại là micro-inverter và string- inverter. Trong đó, micro-inverter gồm các inverter nhỏ gắn tại mỗi tấm pin, còn string-inverter là tủ inverter chung cho một nhóm, dãy tấm pin. Hộ gia đình và nhà đầu tư nên ưu tiên sử dụng loại hệ thống điện mặt trời sử dụng micro-inverter để hạn chế khả năng phát sinh hồ quang điện một chiều trên hệ thống.

2. Bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà

– Không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm về cháy và cháy, nổ A, B (theo Quy chuẫn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành ngày 06/4/2020 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2020) cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ có khối lượng chất cháy lớn.

– Các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40m x 40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 02 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m.

– Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can một khoảng 2,5m.

– Bố trí tấm pin, đường dây và các thiết bị của hệ thống điện mặt trời không được che chắn các quạt tăng áp, hút khói, không làm cản trở đến lối tiếp cận các hệ thống PCCC của công trình.

– Không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quang lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập.

– Khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà phải tính toán tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy; không lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu dễ cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy.

– Inverter và các tủ đóng cắt, tủ đấu dây,… khi bố trí trong nhà phải bố trí trong một phòng, không gian riêng biệt để giám sát và bảo vệ, không được bố trí chất cháy xung quanh khu vực này và phải có giải pháp ngăn cháy với các khu vực khác của công trình. Các thiết bị của hệ thống phải được nối đất bảo đảm theo quy định.

3. Bố trí lối tiếp cận lên mái

– Công trình phải bố trí các lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy hoặc các cửa sập; các tấm pin nên bố trí tại phía mái có đường giao thông thuận lợi cho xe chữa cháy tiếp cận.

– Bố trí thiết bị trên mái phải đảm bảo khả năng tiếp cận, di chuyển từ lối ra mái đến từng nhóm, dãy pin.

4. Vận hành và điều khiển

– Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành.

– Tại khu vực gần lối lên mái nhà phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin trên mái nhà và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.

5. Trang bị phương tiện PCCC

Các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà như inverter, tủ đóng cắt… phải được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình đó. Việc lựa chọn loại hệ thống chữa cháy, chất chữa cháy phải phù hợp với thiết bị và bảo đảm khả năng ngăn ngừa cháy đối với đám cháy thiết bị mạng điện.

Vũ Linh

 


Tin liên quan