A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung trong công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy; chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra; nâng cao ý thức cho cộng đồng về công tác PCCC và CNCH; nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng (Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng Công an phường và lực lượng PCCC cơ sở) trong việc xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn sự cố xảy ra tại cơ sở thì việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và CNCH là hết sức cần thiết.

Bởi đây không chỉ là dịp đánh giá lại hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng chữa cháy cơ sở với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đánh giá khả năng tổ chức chữa cháy ở giai đoạn đầu của lực lượng chữa cháy cơ sở; kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống chữa cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ của cơ sở. Đồng thời, giúp cán bộ chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nắm chắc địa bàn, giao thông, nguồn nước, tính chất hoạt động, tính chất nguy hiểm cháy nổ của cơ sở.

(Một số hình ảnh tham gia thực tập phương án chữa cháy)

Tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định rõ trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản Iý của mình (sau đây gọi là phương án chữa cháy của cơ sở). Người đứng đầu cơ sở hạt nhân có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy và CNCH đối với các tình huống cháy, nổ gây ra sự cố hạt nhân quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 2 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư thuộc danh mục do Bộ Công an quy định tại Điểm b Khoản này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng phương án chữa cháy cho khu dân cư, cơ sở do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.

b) Cơ quan Cảnh sát PCCC có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát PCCC, của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương (sau đây gọi là phương án chữa cháy của Cảnh sát PCCC).

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo xây dựng và phê duyệt phương án chữa cháy để huy động, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy lớn, cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở hạt nhân chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy và CNCH đối với tình huống cháy, nổ gây ra sự cố hạt nhân quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử; có trách nhiệm xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy đối với cơ sở, rừng trên địa bàn cấp xã giáp ranh của hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

đ) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở hạt nhân và cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với tình huống cháy, nổ gây ra sự cố hạt nhân quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử.

e) Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

Tại Khoản 4, Điều 21, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCCC quy định rõ chế độ và trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy như sau:

a) Phương án chữa cháy được xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này được tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm một lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu.

b) Phương án chữa cháy được xây dựng theo quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 2 Điều này được tổ chức thực tập khi có yêu cầu.

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Đối với phương án quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 2 Điều này trước khi tổ chức thực tập phải có sự trao đổi thống nhất với cơ quan Cảnh sát PCCC để huy động lực lượng, phương tiện tham gia.

d) Lực lượng, phương tiện có trong phương án chữa cháy khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.

Hoàng Chung

 


Tin liên quan