A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có ý nghĩa vô cùng quan trọng; tác động trực tiếp đến ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCC của mọi tổ chức, cá nhân, mọi ngành và mọi cấp; góp phần đảm bảo an toàn PCCC, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình thì công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đã, đang và sẽ từng bước được thực hiện nghiêm túc hơn.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Kon Tum (đến tháng 02/2020), toàn tỉnh có 12 chợ kiên cố và hàng chục chợ tạm. Hiện tỉnh Kon Tum có 01 khu kinh tế cửa khẩu BờY, 01 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung các Công ty và Doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần khí hóa lỏng Long Phụng, Công ty TNHH MTV Định Phát, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc… Toàn tỉnh có 912 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC, trong đó cơ sở thuộc diện nguy hiểm cháy nổ (thuộc Phụ lục II – NĐ79/2014) là 440 cơ sở. Trong 03 năm (từ tháng 12/2017 đến tháng 4/2020) toàn tỉnh đã xảy ra 59 vụ cháy, gây thiệt hại gần 7 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, lập 84 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với tổng số tiền phạt là 128.622.000 đồng.

Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, ngoài các lỗi vi phạm về an toàn PCCC như: Do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện, sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng trong chợ; các cơ sở thiếu trang, thiết bị, phương tiện PCCC… thì còn do ý thức của người dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu kiến thức về PCCC; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở thiếu quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định về PCCC.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh phế liệu

Kiểm tra cơ sở kinh doanh phế liệu

Thời gian tới, những vi phạm có nguy cơ xảy ra nhiều và trên diện rộng đối với các cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, chợ, trung tâm thương mại… Ý thức con người cộng với sự thay đổi của khí hậu, các yếu tố khác của thiên nhiên vùng Tây nguyên, chắc chắn việc vi phạm luật PCCC nói chung, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng sẽ còn nhiều khó khăn; để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, lực lượng chức năng Công an tỉnh sẽ triển khai thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC

Hướng dẫn, phổ biến Nghị định 167/2013/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên phạm vi của địa phương; mở thêm các chuyên mục trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, huyện; chiếu phim về những vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua như: “Cụm dân cư an toàn PCCC”, “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC”…

Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về xử phạt vi phạm trong PCCC và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, các chủ cơ sở .

Tập trung xây dựng và kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở đủ mạnh để họ trở thành đội ngũ tuyên truyền, tham mưu giúp việc cho lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các quy định của nhà nước về PCCC và là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC tại các đơn vị, địa phương;

Đề xuất đưa kiến thức về PCCC là một phần nội dung trong chương trình giáo dục ở các trường đại học, cao đẳng dạy nghề của tỉnh, cung cấp các tài liệu pháp luật về PCCC, các khuyến cáo đến cơ quan doanh nghiệp hộ gia đình.

Thứ hai: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên địa bàn. Tham mưu có hiệu quả việc phân cấp nhiệm vụ và tăng cường biên chế cán bộ chuyên làm công tác PCCC cho Công an cấp huyện, thành phố, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý công tác PCCC ở cấp huyện, thành phố; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, nhằm rút bài học kinh nghiệm, chấn chỉnh những mặt còn yếu kém; đồng thời coi trọng công tác biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình cá nhân, đơn vị đã làm tốt công tác PCCC.

Thứ tư: Về công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong công tác kiểm tra an toàn PCCC và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC

Đây là giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân, để phát huy tối đa hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong PCCC. Phối hợp với các địa phương (huyện, xã), các ngành, các lực lượng (Quân đội, Kiểm lâm) trong tỉnh, xây dựng quy chế, xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến, đồng thời nhân rộng các phong trào, mô hình hay để phát huy hiệu quả.

Công Hùng