A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả thi hành Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy

Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao dẫn đến vi phạm hành chính về PCCC có chiều hướng gia tăng, gây thiệt đáng kể đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về PCCC, các cơ quan quản lý Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ thể quan hệ pháp luật PCCC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC… và một trong nhưng biện pháp thể hiện tính răn đe cao đối với các chủ thể vi phạm pháp luật về PCCC đó là tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không đảm bảo an toàn PCCC.

Theo luật định, các trường hợp bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động khi vi phạm một trong các hành vị sau: Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ; vi phạm quy định về PCCC nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; vi phạm quy định về PCCC đã được cơ quan Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục mà không khắc phục hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC mà tiếp tục vi phạm…

Kiểm tra công tác Phòng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp Hòa Bình – Trang  Thông Tin Điện Tử Công An Tỉnh Kon Tum

Đăk Tô: Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn – Trang Thông  Tin Điện Tử Công An Tỉnh Kon Tum

Một số hình ảnh trong công tác kiểm tra về PCCC và CNCH

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum, trong 03 năm (từ tháng 12/2017 đến tháng 4/2020) đã tiến hành kiểm tra, lập 84 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 912 cơ sở với tổng số tiền phạt là 128.622.000 đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. Cũng theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7/2018, cả nước có 262.126 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 114.334 cơ sở nguy hiểm cháy nổ. Chỉ tính riêng trong trong thời gian từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2020, công an các đơn vị địa phương đã tiến hành 357 cuộc thanh tra, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 1.1575.154 lượt đối với 262.126 cơ sở, lập 1.575.154 biên bản kiểm tra, kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 Công văn kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót. Qua đó, lập 98.384 biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt với số tiền nộp ngân sách Nhà nước là 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 cơ sở và phạt cảnh cáo 2.035 trường hợp vi phạm.

Thực tế áp dụng các hình thức đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực PCCC đã được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện quyết liệt, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các nhân trong công tác PCCC. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng vi phạm các quy định về PCCC được phát hiện còn diễn ra khá phổ biến, chưa tương xứng so với thực tế phát hiện, trong xử lý còn thiếu kiên quyết, đa số là hướng dẫn kiến nghị. Một số địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền xử lý trong việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ trong lĩnh vực PCCC và có tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Việc thực hiện tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực PCCC còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư…do liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân. Cá biệt, có tình trạng cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định PCCC vẫn lén lút, thậm chí ngang nhiên hoạt động.

Để đảm bảo khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện hiểu quả thi hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động lĩnh vực PCCC trên cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, cần thực hiện môt số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội khác. Trên cơ sở đó lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH được quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn khi thực hiện nhiệm vụ tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực PCCC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật để mọi người dân hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về lĩnh vực PCCC.

Hai là, tiếp tục phát huy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm có phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, kiên quyết, triệt để xử lý đối với các trường hợp không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động về PCCC nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC. Có kế hoạch để chủ động đề ra các biện pháp giải quyết đối với các tình huống không chấp hành của người vi phạm.

Bốn là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo thực thi quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực PCCC. Để thực hiện tốt giải pháp này, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành theo lĩnh vực, chuyên đề do lãnh đạo Sở, Ban, Ngành có chuyên môn theo lĩnh vực đó là trưởng đoàn…để khi tiến hành việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động sẽ có tính thực thi, chấp hành cao hơn.

Công Hùng