A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta diễn biến phức tạp, khó lường; để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã thành lập và có thể phát sinh các cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ.

2020-08-09t045830z488982704rc24ai9g6v3mrtrmadp3health-coronavirus-india-fire-15969563712741933298796 (1)

Hình ảnh vụ cháy xảy ra tại cơ sở cách ly, điều trị (nguồn: tuoitre.vn)

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Công an tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 2022/CAT-PC07 ngày 31/8/2020 đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kon Tum, Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ sở, đơn vị, bộ phận chức năng chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, cụ thể:

(1). Bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện; không bố trí vật cản lấn chiếm lối thoát nạn, hành lang, cầu thang. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không hút thuốc, thắp hương thờ cúng trong các khu vực cấm, đặc biệt là các kho dược phẩm, kho bảo quản, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Thay thế các thiết bị điện, dây dẫn điện có dấu hiệu hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn PCCC và không câu mắc các thiết bị điện có công suất lớn ngoài thiết kế cho phép.

(2). Thực hiện việc tiêu hủy vật tư y tế, rác thải bằng phương pháp đốt phải đảm bảo an toàn, đúng khu vực quy định; khi đốt phải có người trông coi, kiểm soát, không để đám cháy phát sinh trở lại.

(3). Rà soát, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu; làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC đã được trang bị tại cơ sở đảm bảo hoạt động tốt, bố trí đúng quy định, phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

(4). Xây dựng phương án xử lý khi có cháy, nổ xảy ra, trong phương án cần tập trung vào việc giả định tình huống cháy, nổ; biện pháp chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản; lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy; nguồn nước và các điều kiện cần thiết khác để tham gia chữa cháy; phân công nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ… phù hợp với tình hình đặc điểm của cơ sở.

(5). Người đứng đầu các cơ sở cách ly cần duy trì công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở, phát hiện các tồn tại thiếu sót, nguy cơ phát sinh cháy, nổ để khắc phục. Bố trí lực lượng thường trực, kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời tổ chức quán triệt, hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên, lực lượng làm công tác bảo vệ các quy định, nội quy về PCCC; phương án xử lý tình huống cháy, nổ; vị trí các hệ thống, phương tiện PCCC đã trang bị và cách sử dụng, vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng.

Bá Tuấn