A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trong công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao; do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đóng vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.

Lực lượng chữa cháy đang tiến hành dập tắt đám cháy

Theo Cục cảnh sát PCCC và CNCH, trong 09 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 2.530 vụ cháy nhà dân, cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới, trong đó số vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị chiếm 52,29% (1.323 vụ); khu vực nông thôn chiếm 47,71% (1.207 vụ) làm chết 56 người, bị thương 107 người, thiệt hại về tài sản ước tính 416,15 tỷ đồng, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình đang diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại, số vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 793 vụ (chiếm 66,75%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 261 vụ (chiếm 21,96%); do sự cố kỹ thuật 38 vụ (chiếm 3,19%); đặc biệt nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Vì vậy, nếu ngay khi vừa mới phát sinh chúng ta kịp thời phát hiện, xử lý thì ngọn lửa sẽ không có thời gian phát triển và thiệt hại để lại chắc chắn không đáng kể. Chính lực lượng chữa cháy tại chỗ mà cụ thể là lực lượng dân phòng là một trong những nhân tố có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tham gia xử lý ban đầu khi có cháy xảy ra.

Lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH

Tuy nhiên, trong thời gian qua hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH chưa thực sự phát huy hiệu quả tốt nhất. Nguyên nhân một phần do một số nơi chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCCC. Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về phòng, chống cháy, nổ còn hạn chế; vi phạm quy định của pháp luật về PCCC còn phổ biến, nhất là tại các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng hoặc cho thuê trọ… nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đầu tư, trang bị. Công tác “Bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) chưa thực sự hiệu quả, hoạt động của lực lượng dân phòng nhiều nơi còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC, thoát nạn chưa sâu rộng, hiệu quả nên chưa tạo được ý thức thường trực về PCCC trong Nhân dân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Dân phòng trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, chủ động bám sát địa bàn, cơ sở, nắm chắc tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất UBND huyện, thành phố để chỉ đạo các đơn vị UBND các xã, phường tiếp tục ban hành, bổ sung các nội quy, quy định về PCCC và CNCH tại các khu dân cư trên địa bàn quản lý. Mỗi khu dân cư đều có những tích chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ khác nhau, do đó, các nội quy, quy định đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH cần được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ đối với từng khu dân cư. Sau khi các nội quy, quy định được xây dựng phù hợp và thống nhất ban hành thì cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy định này đến từng thôn, làng, tổ dân phố trong các khu dân cư để các hộ gia đình biết và thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, cần được niêm yết tại các bảng tin, nội quy, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi dễ nhìn, dễ thấy, tập trung đông người để mọi người nâng cao ý thức, hiểu biết và tuân thủ.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH. Để làm tốt công tác này, lực lượng Dân phòng cần phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh để được hướng dẫn xây dựng các nội dung tuyên truyền, bài viết tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung này. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp bằng truyền miệng, thông qua các cuộc họp ở khu dân cư, thì có thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH đối với các khu dân cư thông qua hệ thống loa phát thanh của các phường… Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tại các khu dân cư về công tác đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH.

Ba là, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC trong sinh hoạt, nhất là tại các gia đình, trong đó đặc biệt chú ý đến hệ thống điện, sắp xếp hàng hóa, thoát nạn… Đối với công tác này, cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót gây mất an toàn về PCCC tại các khu dân cư. Đồng thời, tham gia học tập, xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH khi có cháy, sự cố, tai nạn xảy ra; tham gia quá trình tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH theo đúng quy định.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm của các Trưởng thôn, làng, tổ dân phố, Chủ tịch UBND các phường và lực lượng Công an phường trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH. Pháp luật về PCCC quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể trên trong việc xây dựng, duy trì và tổ chức các hoạt động PCCC trên địa bàn mình quản lý. Do đó, việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Dân phòng trong công tác PCCC và CNCH. Ngoài ra, các chủ thể này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành, có như vậy mới tăng sức thuyết phục.

Năm là, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC và CNCH, bảo đảm kinh phí duy trì hoạt động cho lực lượng Dân phòng hoạt động. Trong đó cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Công an đối với lực lượng này. UBND huyện, thành phố cần nhân rộng điển hình của các khu dân cư đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC như: Chương trình kế hoạch, quyết định thành lập, hồ sơ quản lý, phương tiện PCCC và CNCH, được trang bị kiến thức, kỹ năng, biện pháp PCCC và CNCH, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu… Có như vậy, hoạt động của lực lượng Dân phòng trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh mới thực sự là đơn vị đi đầu và là điểm sáng trên địa bàn …

Anh Dũng

 


Tin liên quan