A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy hiểm “Chuồng cọp chứa người”

Hiện nay, các thiết kế nhà mới tại đô thị hầu như là nhà hình ống khép kín, lồng sắt xung quanh. Thiết kế này vô tình đã đẩy chính chủ nhà và mọi người thân trong nhà vào nguy hiểm khi có cháy, nổ, tai nạn sự cố xảy ra. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, nếu nhà có nhiều tầng thì các tầng đều được bao bọc bởi các lồng sắt khép kín khó thoát hiểm, dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người. Trong bối cảnh đó, điều cần làm là sớm có biện pháp khắc phục những bất cập, bố trí lối thoát hiểm phù hợp.

Đối với kiểu kiến trúc nhà có dạng hình ống thường được thiết kế khép kín, có thể nói là “Chuồng cọp”, có duy nhất cầu thang và một lối ra vào, cửa sổ và ban công đều được bọc sắt thép vì nỗi lo lắng trộm cắp. Vì vậy, khi xảy ra cháy, nổ khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Trong khi ba mặt nhà đều là tường đặc, chỉ có mặt trước là có thể mở cửa sổ, do vậy khả năng thông gió hoặc thoát khói của những ngôi nhà này thường rất hạn chế. Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên trong xây dựng nhà ở, các gia đình thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa cửa nhiều lớp kiên cố nên khi xảy ra sự cố, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Với nhà được thiết kế kiểu này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) chuyên nghiệp cũng khó khăn tiếp cận để cứu người, cứu tài sản đặc biệt là nhà trong ngõ hẻm nhỏ.

Biết bao nhiêu nỗi đau mất mát nhìn thấy người nhà mắc kẹt trong các “Chuồng cọp” mà không thoát ra được chỉ biết ngồi chờ có người tới cứu. Tuy đã xảy ra rất nhiều vụ cháy tại các hộ gia đình như vậy mà hàng năm vẫn có rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Một số vụ cháy điển hình:

Cháy nhà dân tại 48 ngõ 41, phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà nội (ảnh sưu tầm)

Để hạn chế tối đa thiệt hại trong những vụ cháy, nổ đặc biệt là với những ngôi nhà hình ống thì ngoài việc điện thoại thông báo lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến ứng cứu, thì mỗi người dân hãy chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy, nổ bằng việc tự trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC; trang bị một số phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên chữa cháy và các phương tiện CNCH như búa, rìu, kìm cộng lực để có thể xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn sự cố không mong muốn xảy ra; đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình và những người xung quanh.

Khi xây dựng ngôi nhà, người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị dụng cụ PCCC&CNCH để đề phòng những sự cố cháy nổ, tai nạn sự cố có thể xảy ra. Đối với những gia đình khi xây dựng thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Chẳng hạn như, để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết để cả nhà đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa gần ổ khóa để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa phá ổ khóa để thoát ra ngoài.

Chuồng cọp chứa người tại các thành phố (ảnh minh họa)

Một số khuyến cáo đối với người dân khi sinh sống trong nhà có dạng hình ống, lồng sắt khép kín:

1. Sau khi phát hiện ra cháy, nếu không xử lý được, cách tốt nhất là người dân nên tìm đường thoát hiểm phía đằng trước ngôi nhà như ban công, đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra, tự thoát nạn bằng cách trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới và kịp thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu, nếu ngoài ban công có lồng sắt không có cửa thoát nạn cần trang bị sẵn các thiết bị phá rỡ như búa, kìm cộng lực để tạo lối thoát ra ngoài.

2. Nếu ngôi nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây, thang thì lập tức chúng ta phải đóng chặt cửa ra vào phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để ngăn khói lan vào phòng; gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 và thông tin về đám cháy như: Nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.

3. Người dân không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.

4. Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; xem xét lại hệ thống điện trong nhà, thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, aptomat. Kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện không để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…

5. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nếu cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.

6. Không nên thiết kế lồng kín không có lối thoát ra ngoài rất có thể bạn chính là nạn nhân của cái lồng đó, nếu làm lồng khép kín phải thiết kế cửa mở có khóa, để khóa ở nơi cả nhà đều biết. Ngoài ra trang bị thêm kìm cộng lực hoặc búa để phá khóa khi cần thiết.

7. Khi không may xảy ra cháy, nổ, người dân cần thực hiện các kỹ năng cơ bản dưới đây:

– Không hoảng sợ, hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất;

– Báo ngay cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp để được hỗ trợ;

– La to hoặc ấn chuông báo cháy để thông báo cho mọi người biết là có cháy xảy ra;

– Nếu đám cháy còn nhỏ, mới phát sinh thì nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Bình chữa cháy, nước, cát, chăn nhúng nước để dập tắt đám cháy;

– Trong trường hợp không xử lý được đám cháy phải nhanh chóng thoát ra, bằng cách dùng khăn, vải, chăn màn thấm nước bịt kín mắt, mũi, miệng và bò sát mặt đất để thoát ra ngoài. Đóng cửa phòng bị cháy lại để ngăn khói và nguồn nhiệt thoát ra ngoài hạn chế không cho gió thổi vào tạo nguồn oxi gây cháy lan, cháy lớn.

8. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa, không để cho cháy nổ xảy ra. Mọi người phải thường xuyên quan tâm đến công tác PCCC để cháy, nổ không xảy ra trên địa bàn.

Nguyễn Học (Phòng CS PCCC&CNCH)

 


Tin liên quan