A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo

Việc đốt pháo trong dịp lễ tết trở thành phong tục tập quán của cha ông ta, xong việc đốt pháo đã kéo theo tình trạng lãng phí, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Để đảm bảo Nhân dân đón tết tiết kiệm, vui vẻ, an toàn, ngày 08/8/1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg về nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/1995. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo. Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP cho thấy cơ bản đã đáp ứng được một số vấn đề liên quan.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi thực tế đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới dẫn đến tình trạng sử dụng pháo trái quy định, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép pháo diễn ra hết sức phức tạp; Nghị định 36/2009/NĐ-CP không còn phù hợp với một số quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật khác…

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến pháo, ngày 27/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an; để triển khai thực hiện Nghị định nghiêm túc, hiệu quả, Công an tỉnh đã có Công văn số 3124/CAT-PC06 ngày 15/12/2020 về hướng dẫn việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và tuyên truyền Nghị định 137/NĐ-CP đến các đơn vị, Công an các huyện, thành phố.

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm 04 chương, 26 điều, gồm: Chương I. Quy định chung gồm 09 điều: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; các hành vi bị nghiêm cấm; quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; tiêu hủy pháo, thuốc pháo; giám định tư pháp về pháo, thuốc pháo; trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ. Chương II. Quản lý, sử dụng pháo gồm 10 điều: Nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ; thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ; cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ; điều kiện nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; thủ tục cấp giấy phép mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh; sử dụng pháo hoa; huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo. Chương III. Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm 05 điều: Trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Chương IV. Điều khoản thi hành gồm 02 điều: Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Theo đó, Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, Công an cấp huyện khẩn trương tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 137/2020/NĐ nhằm tạo sự thống nhất về mặt nhận thức các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân tại địa phương để nhận thức rõ các quy định của Nghị định, trong đó, cần tập trung vào những nội dung mới trọng tâm.

Với những điểm mới của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Để tránh việc người dân hiểu chưa đúng về quy định được phép đốt đối với loại pháo nào, các đơn vị cần phải tuyên truyền, để Nhân dân hiểu rõ các khái niệm về pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh nhầm lẫn và dẫn đến vi phạm. Cụ thể:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Như vậy, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ là các sản phẩm, như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng nhiều màu sắc). Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng (các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường…).

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP thì: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc Công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả… khi đốt gây ra tiếng nổ); pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép; các loại pháo dàn mà một số đối tượng đã mua, đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian trong các dịp Tết). Đối với các loại pháo này tại khoản l Điều 5 Nghị định quy định: Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định.

Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định; trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015.

Kim Thanh