A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng bán pháo nổ trên mạng xã hội

Tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo qua mạng xã hội trong những ngày cận Tết Nguyên đán đang diễn biến khá phức tạp.

Mua bán pháo nổ trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật

Dù pháp luật đã cấm nhưng tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép vẫn xảy ra tại nhiều nơi, ở nhiều địa phương. Thời gian gần đây, không ít đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội Facebook để chào bán pháo nổ một cách công khai, coi thường pháp luật. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán pháo” trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook sẽ ra hàng loạt các trang, hội, nhóm bán pháo rất đa dạng và phức tạp. Đáng chú ý, một bộ phận tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh vì thiếu hiểu biết và nông nổi đã sử dụng mạng xã hội để giao dịch mua bán pháo nổ trái phép, dẫn đến hậu quả khó lường.

Các hội, nhóm kín tổ chức mua bán trái phép pháo nổ trên mạng xã hội facebook

Người có hành vi mua, bán trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu là tổ chức, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Về trách nhiệm hình sự, cá nhân, pháp nhân thương mại buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù 1-10 năm. Nếu là pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 1-9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động.

Đừng để “mắc bẫy” lừa đảo

Không chỉ là hành vi buôn bán pháo nổ trái phép, có không ít đối tượng lợi dụng nhu cầu mua pháo vào dịp Tết Nguyên đán của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng đóng giả làm người bán pháo, sau khi nhận tiền cọc của người mua thì không giao hàng, đồng thời chặn Facebook, chặn số điện thoại. Người mua khi bị lừa đành phải “ngậm bồ hòn” do đa số các tài khoản bán pháo đều là tài khoản ảo, sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác, trong khi tiền cọc lại chuyển qua mạng, không giao trực tiếp.

Ảnh: Tài khoản facebook ảo rao bán pháo

Một số đối tượng sau khi lừa nhận tiền cọc thì chỉ chuyển gạch đá, vỏ pháo cho người nhận. Trên các hội nhóm mua bán pháo, có không ít người bị lừa đã chụp lại hình ảnh đăng lên các nhóm để “bóc phốt”.

Hành vi mua bán các loại pháo hoa nổ, pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, diễn đàn là hành vi vi phạm pháp luật. Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho bản thân và gia đình cũng như góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mỗi người dân cần “nói không với pháo nổ”, tránh rơi vào cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo hay nghiêm trọng hơn là tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Hoài Anh