Xuất nhập cảnh với hộ chiếu vắc xin
Ngày 15/3/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1606/VPCP-QHQT về việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh Việt Nam như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày 15/3/2022. Từ đây, hoạt động xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Mối quan tâm lớn nhất của công dân là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần chuẩn bị những gì để việc xuất cảnh được thuận lợi. Ngoài những giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh thông thường, công dân cần tìm hiểu các quy định về các biện pháp phòng dịch của nước sở tại và chuẩn bị thêm “hộ chiếu vắc xin”. Vậy “hộ chiếu vaccine” là gì:
“Hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có hộ chiếu vaccine không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19 khi xuất, nhập cảnh. Chứng nhận “Hộ chiếu vaccine” sẽ được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR được khởi tạo. Theo đó Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành cấp “hộ chiếu vaccine” cho công dân.
“Hộ chiếu vaccine” sẽ hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, số liều vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận.
(Minh họa Chứng nhận điện tử đã tiêm vắc xin COVID-19 của Việt Nam trên thiết bị di động)
Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.
Theo hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân được áp dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, gồm 3 bước như sau:
– Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin COVID-19 và Công văn số 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.
– Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
– Bước 3: Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU
Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành
Tính đến ngày 23/3/2022, trên nguyên tắc có đi có lại, Việt Nam đã đàm phán, công nhận “hộ chiếu vắc xin” đối với 16 nước/vùng lãnh thổ. Bộ Ngoại giao đã đăng tải các thông tin chi tiết về danh sách các nước/vùng lãnh thổ cùng điều kiện và mẫu hộ chiếu vắc xin được công nhận trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao (https://mofa.gov.vn/vi/) và Cổng thông tin điện tử về công tác Lãnh sự (/upload/105000/20220524/0148703f29c70a1e6a68e6395a1c6179lanhsuvietnam.gov.vn). Công dân cần chủ động tra cứu danh sách cập nhật tại địa chỉ trên để có chuyến đi xuất cảnh được thuận lợi.
Trung Thành