A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024

         Ngày 27/11/2023, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước (Luật số 26/2023/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 07 chương, 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trên cơ sở Luật Căn cước năm 2023, ngày 14/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 175/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước | Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh

Luật Căn cước được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023

Tại Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ban ngành, địa phương, nòng cốt là Bộ Công an chủ trì tham mưu, triển khai thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước; Tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước; Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước; Rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng 02 Nghị định, 04 Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước; Tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; Bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, AND, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nôi, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; Tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Căn cước và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Trên cơ sở các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Kế hoạch trên, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-BCA ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước trong Công an nhân dân. Để bảo đảm hoàn thành các công việc được phân công đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng đề ra, Bộ Công an đã xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm:

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Căn cước, trong đó, dự thảo 02 Nghị định trình Chính phủ trước ngày 01/7/2024; ban hành 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an trước ngày 15/5/2024.  

- Biên soạn, in ấn tài liệu phục vụ việc phổ biến Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Căn cước gồm: Tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật Căn cước, Tài liệu bình luận, hỏi đáp pháp luật về căn cước.

- Tổ chức tập huấn về Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Căn cước cho lãnh đạo, cán bộ cốt cán, hội viên Hội luật gia, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp và người làm công tác quản lý căn cước.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, lãnh đạo cơ quan, tỏ chức và người làm công tác quản lý căn cước.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước trong Công an nhân dân.

- Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác quản lý căn cước.

- Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy.

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật.

- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác, Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.

- Bảo đảm điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ trong triển khai thi hành Luật Căn cước.

- Xây dựng mẫu thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; Quyết định của Bộ trưởng phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật chip điện tử và tích hợp, lưu trữ thong tin trong chip điện tử; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tài liệu bảo an, chống làm giả thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.

- Bảo đảm kinh phí, hậu cần, kỹ thuật triển khi thi hành Luật Căn cước.

Theo đó, đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đối với 02 Nghị định trình Chính phủ: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước; Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành dự thảo và tổ chức lấy ý kiến Công an các đơn vị, địa phương liên quan đối với 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an: Thông tư quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Căn cước; Thông tư quy định mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước; Thông tư quy định tàng thư căn cước cư trú; Thông tư quy định về quy trình cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.  

Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân những nội dung của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành để thực hiện thống nhất, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 26/3/2024, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-BCA tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an nhân dân”, diễn ra từ tháng 3/2024 đến ngày 30/9/2024; Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sẽ được tổ chức lồng ghép tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Công an nhân dân năm 2024.

10 điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

10 điểm mới của Luật Căn cước năm 2023

Bên cạnh đó, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật Căn cước. Theo đó, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 có 10 điểm mới cần biết gồm:

01. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3).

02. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46).

(1) Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ.Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

(2) Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

(3) Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

03. Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46).

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

04. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18).

Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú

05. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19).

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

- Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

06. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23).

- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

- Không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

07. Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30).

(1) Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.

(2) Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam

08. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33).

(1) Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID)

(2) Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

09. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23).

(1) Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

(2) Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22).

(1) Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

(2) Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

(3) Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ đã phối hợp với Công an các địa phương chủ động xây dựng mẫu thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để bảo đảm triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan… bảo đảm chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai Luật Căn cước khi có hiệu lực thi hành.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan