A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng đột biến tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn

 

Tai nạn, thương tích trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, di chứng tàn tật và ám ảnh về tâm lý suốt đời cho trẻ. Một số tai nạn, thương tích như: Tai nạn giao thông, xâm hại tình dục, đuối nước, điện giật, bỏng nước sôi, ngã cầu thang…

Lực lượng chức năng Công an tỉnh hướng dẫn cho trẻ em kiến thức về PCCC

“Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai”, nhận thức được vai trò của trẻ em đối với gia đình và xã hội, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh; các lực lượng chức năng Công an tỉnh cũng sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn, thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình này vẫn đang diễn biến phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Những con số đáng báo động

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, năm 2017 và 06 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn đuối nước – 20 trẻ em chết; 17 vụ xâm hại tình dục – 21 trẻ em; 13 vụ tai nạn giao thông (TNGT) – 08 trẻ em chết, 09 trẻ em bị thương; 01 vụ cháy – 02 trẻ em chết; 44 vụ tai nạn khác (tai nạn do sinh hoạt, thiên tai…) – 03 trẻ em chết, 41 trẻ em bị thương. Đáng chú ý, 06 tháng đầu năm 2018, tai nạn, thương tích trẻ em gia tăng đột biến (tăng 57 vụ so với cùng kỳ năm 2017) và trong số các trường hợp tử vong, đa số nguyên nhân đều do đuối nước; các vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, có yếu tố loạn luân. Điển hình:

Về tai nạn đuối nước: Vào chiều ngày 28/5/2017, một nhóm trẻ em rủ nhau tắm ở sông Đăk Bla, đoạn qua thôn 12, xã Đăk Tờ re, huyện Kon Rẫy. Trong lúc đang tắm, bé Nguyễn Kim Kiên (10 tuổi) không may bị đuối nước. Phát hiện bạn bị đuối nước, cả nhóm liền tri hô, kêu cứu người dân xung quanh. Tuy nhiên, do cách xa khu vực dân cư nên khi người dân tới nơi thì em Kiên đã bị nước cuốn đi.

Về xâm hại tình dục trẻ em: Khoảng tháng 9/2017, sau khi đi uống rượu về nhà thì thấy em gái mình là Y.D đang nằm ngủ một mình dưới nền nhà tại phòng khách, A Jun đã thực hiện hành vi hiếp dâm hai lần với em gái ruột của mình. Lúc xảy ra sự việc, Y.D mới được 07 tuổi 11 tháng 04 ngày. Đến ngày 18/9/2017 sau khi phát hiện sự việc đau lòng trên, ông A Yút (cha ruột của A Jun) đã làm đơn trình báo sự việc cho cơ quan pháp luật.

Tình hình trên, gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Một số nguyên nhân làm gia tăng tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh

Trước hết, nguyên nhân thuộc về nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn thấp, nhất là vấn đề xâm hại tình dục, tai nạn đuối nước. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ngay cả các khu vực trị trấn, thành phố. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn chủ quan trong việc chăm sóc trẻ do đó chưa coi trọng việc triệt tiêu những nguyên nhân gây tai nạn (để sàn nhà, cầu thang trơn trượt; các bể chứa nước, chum nước không có nắp đậy, hoặc nắp đậy không an toàn; ổ điện, nước sôi gần tầm với trẻ em…); thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ em bị tai nạn, thương tích (đuối nước, bỏng…); kém hiểu biết pháp luật về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, vô tình đã để trẻ em trở thành nạn nhân bị xâm hại ngay chính trong gia đình mình.

Ngoài nguyên nhân nêu trên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn lơ là, thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ em trong vui chơi và sinh hoạt (44 vụ tai nạn do sinh hoạt, thiên tai); mặt khác, xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, tò mò, ham vui, thích cùng nhau vui chơi… trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt hay trong môi trường gia đình, nhà trường trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ gây tai nạn thương tích như: Nhiều ngôi nhà, trường học gần sông, ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát; sàn nhà trơn, trượt, cầu thang không có tay vịn… Nhiều trẻ em phải làm việc (nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) như: phụ giúp bố mẹ nấu cơm, bắt cua, rà cá… mà bản thân các em chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết.

Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị vào trong công tác; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được tiến hành nhưng chưa thường xuyên, liên lục; thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên trẻ tự tìm kiếm sân chơi cho mình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Giải pháp giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh

Những vụ tai nạn thương tâm cũng như những con số thống kê trên đã phần nào nói lên thực trạng đáng báo động về những tai họa đang đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của trẻ em; thiết nghĩ các cấp, các ngành nói riêng và xã hội nói chung cần phải có trách nhiệm hơn, bằng những hành động và việc làm thật cụ thể trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Một là, Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tai nạn, thương tích trẻ em; tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích, các mô hình như “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn đuối nước… bằng nhiều hình thức (viết tin, bài; xây dựng phóng sự; tuyên truyền bằng xe lưu động; tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu; tổ chức cho các hộ kinh doanh, chủ xe ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển pháo nổ…); tiếp tục củng cố, duy trì 08 mô hình hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; mở rộng thêm 03 mô hình tại các xã, phường; duy trì hoạt động truyền thông hiệu quả tại 06 mô hình câu lạc bộ “Ông bà cháu”; 02 Câu lạc bộ “Bảo vệ trẻ em”.

Hai là, Tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em trong cộng đồng xã hội, nhất là các bậc phụ huynh, thầy cô giáo từ đó xây dựng môi trường gia đình và nhà trường lành mạnh, an toàn; tăng cường giám sát trẻ trong sinh hoạt, vui chơi không để trẻ em vui chơi ở khu vực nguy hiểm, không tiếp xúc với người lạ; thường xuyên tâm sự và chú ý đến tâm sinh lý của trẻ để kịp thời có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn, thương tích xảy ra…

Ba là, Trang bị cho trẻ em những kỹ năng sống cần thiết: Xử lý tình huống khi gặp hỏa hoạn, bị đuối nước, cách thức phòng vệ trước những đối tượng thực hiện hành vi đồi bại…

Bốn là, Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em; tổ chức xét xử lưu động một số vụ án nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân cũng như bảo vệ an toàn cho trẻ.


Thái Ngân