A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2021

Từng bước xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp… là một trong những giải pháp trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2021

https://news.thuvienphapluat.vn/tintuc/uploads/image/2021/02/08/truyen-nhiem.jpg

(Ảnh minh họa)

Ngày 05/3/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 743/KH-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021.

Mục tiêu của Kế hoạch được xác định là giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu: (1) 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; (2) 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu; (3) 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet; (4) 100 % hành khách xuất, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để tổ chức quản lý, cách ly; (5) Giảm số mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm; (6) Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt ≥95% trở lên ở quy mô xã, phường. Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; (7) 100% cấp huyện, cấp xã và thôn/làng/tổ dân phố tổ chức thực hiện Chiến dịch vệ sinh môi trường- diệt lăng quăng/bọ gậy; (8) Trên 80% số người dân trong vùng dịch hiểu được mức nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm gây thành dịch bệnh; (9) Trên 50% số người dân có thói quen rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh và có xà phòng tại nơi rửa tay.

Đồng thời, Kế hoạch này nêu rõ các hoạt động chính đối với từng tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh; Xuất hiện các ca bệnh; Dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng. Đơn cử, trong trường hợp nếu dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng, Sở Y tế kịp thời cập nhật, tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến của dịch, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, các hoạt động phòng chống dịch cấp bách trên địa bàn; Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo; Thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Các giải pháp chính để thực hiện gồm: Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2021; Xây dựng kế hoạch về kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh; Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe với nhiều hình thức; Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tuyến tỉnh, huyện, xã; Các cơ sở y tế sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch lớn hoặc đại dịch; Các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết khác, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nếu xảy ra dịch lớn hoặc xảy ra đại dịch; Tăng cường công tác phối hợp thu thập thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định; Từng bước xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp…

Thái Ngân

 


Tin liên quan