A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ tiền giả

Tình trạng tàng trữ, lưu hành tiền giả từ lâu vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối xảy ra trên cả nước. Các vụ việc liên quan đến tiền giả không chỉ xâm hại đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trật tự xã hội và đời sống nhân dân. Công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tiền giả là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp lâu dài và thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm đập tan âm mưu của các thế lực thù địch và bọn tội phạm đang tìm mọi cách phá ta trên lĩnh vực kinh tế, tài chính tiền tệ. Việc đấu tranh với các đối tượng này luôn đặt ra một yêu cầu bức thiết đối với cơ quan chức năng.

Tiền giả thường xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng sau đó đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh trên cả nước, trong đó có tỉnh Kon Tum.

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm tàng trữ và lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ và số lượng với tính chất nghiêm trọng. Trong 05 năm qua (2009-2014) Ngành ngân hàng và Kho bạc đã phát hiện và thu giữ 220.350.000 đồng tiền giả của khách hàng đến giao dịch tại các ngân hàng thương mại và kho bạc trên địa bàn tỉnh như: chuyển tiền vào tài khoản, nộp thuế, nộp tiền xử phạt hành chính … Trong đó loại tiền polymer giả gồm 11 tờ mệnh giá 500.000 đồng, 648 tờ mệnh giá 200.000 đồng, 664 tờ mệnh giá 100.000 đồng, 307 tờ mệnh giá 50.000 đồng, 95 tờ mệnh giá 20.000 đồng, tiền cotton gồm 15 tờ mệnh giá 100.000 đồng, 2 tờ mệnh giá 50.000 đồng; Lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện và tiến hành điều tra 04 vụ lưu hành tiền giả trong đó đề nghị truy tố 04 vụ, 5 bị can, thu giữ 130.600.000 đồng, trong đó tiền polymer giả gồm 645 tờ mệnh giá 200.000 đồng, 16 tờ mệnh giá 100.000 đồng.


alt

alt

Tiền giả bị cơ quan công an bắt giữ  và những tờ tiền giả có cùng số seri  

             

 

Qua thực tế các vụ án về tàng trữ, lưu hành tiền giả cho thấy có rất nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để tiêu thụ tiền giả, như: Lợi dụng lúc trời tối để dùng tiền giả mua hàng. Do bị hạn chế về khả năng quan sát nên người bán hàng không phát hiện được hành vi tiêu thụ tiền giả của các đối tượng; Đối tượng lưu hành, tiêu thụ tiền giả vào ban ngày nhưng chúng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì chúng đã đi xa; Nhiều đối tượng thường mua hàng có giá trị thấp bằng tiền giả có mệnh giá cao để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật, khi lưu hành chúng thường không mang theo nhiều tiền giả để đề phòng trường hợp nếu bị phát hiện thì lấy lý do là không biết tiền giả hoặc do nhầm lẫn, thủ đoạn này thường được sử dụng với người bán hàng lẻ; điển hình là vụ bắt Ngô Văn Chấp, sinh năm 1971, quê quán Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương đang tiêu thụ tiền giả (tháng 5/2014), qua khám xét nơi ở của Ngô Văn Chấp ta thu giữ 9.000.000 đồng tiền Việt Nam giả gồm 45 tờ mệnh giá 200.000 đồng; Còn khi mua hàng có giá trị lớn, hoặc khi trả nợ, do nắm được thói quen của người nhận tiền với số tiền lớn thường chỉ kiểm tra những tờ phía ngoài rồi đếm qua gáy chứ không kiểm tra từng tờ, các đối tượng này đã kẹp lẫn tiền giả với tiền thật để thanh toán, giao dịch; Điển hình là vụ bắt quả tang 02 đối tượng Nguyễn Quốc Tưởng (Gia Lai) và Lê Trần Quốc Đạt (ở Lâm Đồng) sử dụng tiền giả để buôn bán đổ cổ vào tháng 5/2012, lực lượng Công an đã thu giữ được 600 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng; Ngoài ra, tiền giả còn được sử dụng vào một số hoạt động bất hợp pháp như: mua ma túy, đánh bạc…Do tâm lý của người đưa tiền và người nhận tiền trong trường hợp này đều biết đó là hoạt động bất hợp pháp nên việc phát hiện ra tiền giả cũng không tố giác tội phạm.

Trong những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tiền giả. Phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền giả, đã thực sự có tác dụng trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân và răn đe trấn áp tội phạm. Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả tốt trên địa bàn tỉnh cần thực hiện có hiệu quả một số công tác sau sau:

Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền kỹ năng phân biệt tiền thật, tiền giả; kịp thời thông báo phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội liên quan đến tiền giả, ngoại tệ giả và các loại giấy tờ có giá giả khác…trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết nâng cao cảnh giác, tự phát hiện tiền giả. Đồng thời làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng bắt giữ các đối tượng có hành vi lưu hành tiêu thụ tiền giả.

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, nhất là ngành Công an và Ngân hàng. Xây dựng, kiện toàn các Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả giữa cơ quan Công an với Ngân hàng. Tổ chức thực hiện tốt quy chế đề ra và định kỳ sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện và rút ra kinh nghiệm thực tiễn.

Quan tâm công tác đào tạo, bố trí, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm này đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới./.     


Vũ Tiến Đại – An ninh Kinh tế