A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua khu vực biên giới

Ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua khu vực biên giới là một giải pháp trọng tâm cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác Phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Ngày 30/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND tỉnh về Phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra (có 2 biến chủng Tây Phi và biến chủng lưu vực Công Gô). Vi rút này bắt nguồn từ động vật và có thể lây lan từ động vật sang người; có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như chăn ga gối đệm. Bộ Y tế nhấn mạnh, Bệnh Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có thể lây truyền giữa người với các loài động vật (linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà…).

Để phòng chống Bệnh có hiệu quả, Kế hoạch đưa ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, Giải pháp về thông tin tuyên truyền:

Về Nội dung thông tin, tuyên truyền:

Đặc điểm và tính chất nguy hiểm, cách nhận biết động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Đậu mùa khỉ và biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ từ động vật sang con người và từ động vật sang động vật. Người mắc bệnh, nghi mắc bệnh Đậu mùa khỉ không tiếp xúc gần, ôm ấp, vuốt ve, ngủ chung với các vật nuôi mẫn cảm với bệnh Đậu mùa khỉ.

Thông tin về các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật để người dân biết, chủ động phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật.

Về Phương thức thông tin, tuyên truyền:

Truyền thông qua các chương trình truyền hình, phát thanh địa phương; báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan; nhắn tin trên mạng viễn thông; truyền thông trên các nền tảng công nghệ.

Thông tin trên bảng tin công cộng tại nơi đông người, địa điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân; thông tin trên các bản tin, tài liệu không kinh doanh, các tài liệu tuyên truyền đặt tại tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện văn hóa xã…

Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tuyên truyền, vận động thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.

Xây dựng, in ấn, phát miễn phí các tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, pa nô, sách mỏng, sách sổ tay,...) về phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật.

Về Thời điểm và tần suất tuyên truyền: Thông tin, tuyên truyền về các nội dung phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thứ hai, Giải pháp về kiểm soát vận chuyển:

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển các loài động vật, sản phẩm các loài động vật như chó, thỏ, khỉ, vượn, sóc... ra vào địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua khu vực biên giới.

Thứ ba,  Giải pháp về xử lý môi trường chăn nuôi:

 Kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương; đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 cāa Luật Chăn nuôi; Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, định kỳ sử dụng các hóa chất dùng trong thú y, đặc biệt sử dụng vôi bột để thực hiện khử trùng, tiêu độc môi trường… phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ trên động vật.

Thứ tư, Giải pháp giám sát bệnh: Thực hiện theo các quy định của pháp luật về thú y và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Thư năm, biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch: Kế hoạch quy định cụ thể từng giải pháp đối với chủ vật nuôi, Cơ quan tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thú y cấp huyện phối hợp với chính quyền cơ sở (nơi có dịch bệnh); Cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh.


Tác giả: Thái Ngân