A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 794/KH-UBND về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước) và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Kế hoạch được tổ chức nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, các quy định pháp luật liên quan; đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong quá trình thực hiện Công ước và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Cụ thể, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện Công ước và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn: Rà soát, đánh giá các quy định pháp luật để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với Công ước và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, nên quy định hay không quy định bảo đảm rằng người bị cáo buộc thực hiện hành vi tra tấn, ngược đãi và gây ra cái chết trong quá trình giam giữ sẽ bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ ngay lập tức trong quá trình điều tra.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong công tác công vụ.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quy định về bảo đảm quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó: Tăng cường số lượng và nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các hoạt động trợ giúp pháp lý; Nâng cao tỷ lệ tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, nhất là tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, đơn tố cáo các hành vi bức cung, nhục hình, làm chết người trong thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật…

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ nạn nhân của hành vi tra tấn, nhất là nạn nhân của các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã xác định tại Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước và Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước, trong đó ưu tiên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu hoặc lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung này trong các chương trình, hoạt động khác có liên quan. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông hiện đại trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước, pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên không gian mạng.

Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kỹ năng nghề nghiệp, quy trình công tác trong thực thi công vụ đối với cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự…

Thứ năm, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan: Thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác phòng, chống tội phạm với các quốc gia thành viên Công ước CAT.

Ngoài ra, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên địa bàn tỉnh theo quy định. Kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.


Tác giả: Thái Ngân