A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (năm 2023)

Căn cứ Nghị quyết số 28/2021/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược); ngày 22/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 786/KH-UBND về thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, Kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm :

Trong lĩnh vực chính trị:

Các cơ quan, đơn vị địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ nhằm bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đảm bảo tỷ lệ theo quy định; bố trí công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Có Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho nữ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và trong diện quy hoạch theo lộ trình; thực hiện việc lồng ghép kiến thức về giới và thực hiện bình đẳng giới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp.

 Rà soát các chính sách, quy định của trung ương và của tỉnh để hướng dẫn hoặc đề xuất tổ chức thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan Nhà nước; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động:

Tăng cường nguồn lực cho các cơ sở đào tạo nghề; Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Nâng cao chất lượng hoạt động công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; giới thiệu, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trong việc tuyển dụng lao động đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới.

Mở rộng đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội; thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của nữ giới và nam giới tham gia bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng với các nguồn lực kinh tế (như các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách), bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh. Tăng cường các dự án kinh tế hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ ở những vùng khó khăn; phát triển các mô hình kinh tế trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và triển khai các biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu việc làm của phụ nữ ở nông thôn.

Hỗ trợ và tạo điều kiện để cán bộ nữ phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, được tiếp cận khoa học kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực từ các nguồn lực.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm bảo đảm tính hiệu quả, công bằng trong chính sách đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và chế độ nghỉ hưu.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới:

Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong Nhân dân, chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng về phòng ngừa bạo lực gia đình và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12) đảm bảo phù hợp, thiết thực.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: đào tạo kỹ năng truyền thông, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, kết nối dịch vụ và kỹ năng làm việc với người có hành vi gây bạo lực giới.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Duy trì nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.

Duy trì nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.

Trong lĩnh vực y tế:

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sỹ tại các bệnh viện. Tăng cường chất lượng dịch vụ y tế và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - kế hoạch hóa gia đình.

Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, siêu âm chẩn đoán thai nhi vì mục đích lựa chọn giới tính; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm xóa bỏ tư tưởng định kiến giới, phân biệt đối xử giới nhằm giảm thiểu các hệ lụy xã hội do mất cân bằng giới tính; khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh về việc tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Vận động phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động đến cơ sở y tế khám, theo dõi sức khỏe, tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho thai nhi và đến sinh tại cơ sở y tế.

Tuyên truyền vận động nam giới tham gia vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; mở rộng các hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản, tình dục, tránh thai an toàn đối với người chưa thành niên và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình linh hoạt, dễ tiếp cận và miễn phí đối với phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp. Gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Rà soát tình hình học sinh các bậc tiểu học và trung học cơ sở, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động trẻ em vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số tham gia duy trì sĩ số và chất lượng học tập.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú, công trình vệ sinh, cấp nước cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số để đảm bảo huy động tối đa trẻ em đi học, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng học tập.

Khuyến khích tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các chương trình đào tạo sau đại học, trình độ lý luận chính trị. Đưa nội dung về giới vào chương trình bồi dưỡng quản lý Nhà nước, đào tạo lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức và lãnh đạo quản lý; lồng ghép nội dung về giới vào các bài giảng trong các trường học, đặc biệt ở các cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học.

Khảo sát lực lượng lao động nữ nông thôn, xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề, mô hình sản xuất phù hợp với lao động nữ. Đặc biệt ưu tiên nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, xã đặc biệt khó khăn.

Trong lĩnh vực thông tin - Truyền thông:

Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng viết bài, thu thập thông tin đảm bảo yếu tố bình đẳng giới cho đội ngũ phóng viên thuộc các cơ quan thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới góp phần xóa bỏ các quan niệm, tư tưởng lạc hậu, định kiến giới./.


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan