A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

"Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế" là một nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tại Kế hoạch số 3412/KH-UBND.

Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (Nghị quyết số 82/NQ-CP); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3412/KH-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2023 để triển khai thực hiện.

Theo đó, Kế hoạch xác định các nghiệm vụ, giải pháp gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững:

Thực hiện việc đánh giá, rà soát lại cơ cấu ngành du lịch của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm thương mại,...

Phát triển đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Xây dựng Kon Tum trở thành điểm đến du lịch cội nguồn “an toàn, xanh, sạch đẹp, thân thiện, hấp dẫn”.
Tăng cường liên kết phát triển thị trường du lịch; kết nối tour, tuyến điểm du lịch trong tỉnh, khu vực và các tỉnh bạn trên cả nước.

Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; bám sát định hướng quy hoạch về các vùng, hành lang du lịch, trung tâm du lịch và các khu du lịch quốc gia.

Thứ hai, tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến KonTum:

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế.

Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo vệ cảnh quan, môi trường hệ sinh thái tại các khu, điểm di tích, khu bảo tồn thiên nhiên.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước theo hướng đơn giản hóa, khoa học, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, lành mạnh, minh bạch.

Thu hút các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành mở các tour, tuyến du lịch tới các khu, điểm du lịch trong tỉnh; gắn kết với các tour, tuyến du lịch của các tỉnh bạn.
Nâng cao vai trò của cộng đồng người dân địa phương tại các khu điểm du lịch, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch trọng điểm; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch:

Huy động nguồn lực, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; trong đó tập trung đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen (Kon Plông), đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, an ninh an toàn để được công nhận là Khu Du lịch Quốc gia.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai dự án.

Thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch uy tín, có thương hiệu đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng hấp dẫn có lợi thế cạnh tranh và gia tăng thu nhập từ du lịch. Khuyến khích đầu tư các dự án khách sạn, các khu resort nghỉ dưỡng từ 3 sao - 5 sao, các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, các dự án dịch vụ vui chơi giải trí thương mại cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch thể thao hỗn hợp...; tổ chức mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng tại các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp, làng nghề.

Thứ tư, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch:
Phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong đó tập trung khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO ghi danh. Mỗi địa phương xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến tiêu biểu hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Xây dựng và phát triển loại hình du lịch học đường, giáo dục lịch sử, chương trình ngoại khóa, tham quan trải nghiệm cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum, Việt Nam; đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thông qua các doanh nghiệp lữ hành.

Phát triển thương hiệu du lịch Kon Tum gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, lịch sử truyền thống.

Xây dựng các ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền du lịch cho từng loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng; kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và mạng xã hội; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin tuyên truyền.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:
Tập trung, đa dạng hóa hình thức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nâng cao kỹ năng nghề du lịch đáp ứng yêu cầu quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trong lĩnh vực du lịch; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch của tỉnh.

Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ quản lý, nhân viên và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Thứ sáu, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch:
Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kết nối liên thông các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như: Ứng dụng ''Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel'', nền tảng ''Quản trị và kinh doanh du lịch'', hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, hệ thống thẻ - vé điện tử, thẻ du lịch thông minh, hệ thống thuyết minh đa phương tiện và kênh truyền thông trên các nền tảng số; chia sẻ, kết nối dữ liệu góp phần phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp./.


Tác giả: Thái Ngân