A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di chúc Bác Hồ-Bản trường ca còn mãi!

Năm 2019, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Bản trường ca trường tồn cùng sự lớn mạnh từng ngày của toàn dân tộc, lời dạy cao quý, kinh nghiệm sâu sắc được tích lũy soi sáng lý tưởng cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa ở Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho di chúc chủ tịch hồ chí minh

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi 

Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước lúc đi xa đã để lại một bản trường ca trường tồn, ngọn đuốc sáng soi đường cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu hi sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha; là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau. Di chúc của Người đã trở thành thiêng liêng, thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Toàn thể dân tộc Việt Nam kính cẩn nghiêng mình trước tình yêu bao la Người dành cho Tổ quốc, cho dân tộc. Trước lúc đi xa, mong muốn cuối cùng Người cũng dành cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân mà không màng đến một chút lợi ích cá nhân “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trong những lời căn dặn cuối cùng, Người đã đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước hết, Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ý thức được sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề đó. Người nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề đoàn kết “một truyền thống quý báu của Đảng và của dân tộc ta”. Người yêu cầu “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người khẳng định “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”; “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng; “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam vừa hồng, vừa chuyên, xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Trong bản Di chúc, Người nhắc nhở “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong cuộc đời cách mạng của mình, quần chúng nhân dân đã trở thành tư tưởng, niềm tin và động lực thúc đẩy mọi hoạt động của Người. Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”… Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; cán bộ, đảng viên là công bộc, là đày tớ của nhân dân, phải lấy dân làm gốc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ở những ngày tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta nhiệm vụ cao quý “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, bởi lẽ “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”, song “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Chính vì vậy, Đảng ta phải luôn chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi giai đoạn cách mạng và trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Để nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra lúc bấy giờ, Người nhấn mạnh “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta phải xây dựng hơn 10 ngày nay”. Do đó, “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rời khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc tế-là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đánh vào phong trào giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh đạo kính yêu của nhân dân Việt Nam mà đối với thế giới rất nhiều nhà chính trị, văn hóa, văn nghệ sĩ… đã hết lời ca ngợi Người như một nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, tấm gương lớn về nhân cách hoàn thiện. Đã từ lâu hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế đã là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Người là hình ảnh được coi như “một lãnh tụ thần thoại” của Đảng và nhân dân Việt Nam, tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh hùng và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đến nay, đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các vị lãnh đạo các nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, triết học, tâm lý học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới… viết về Hồ Chủ tịch. Tên tuổi và sự nghiệp của Người đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, các bộ tự điển danh nhân lỗi lạc của loài người. Và để thể hiện tình cảm, sự trân trọng của một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc với phong trào cách mạng thế giới, trong Di chúc, ngoài việc căn dặn những bài học quý báu cho dân tộc Việt Nam, Người còn viết về phong trào cộng sản thế giới như nỗi niềm đau đáu trong tâm. Người chỉ rõ “tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh “mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”, “tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Về phần mình, đức tính giản dị, lối sống chân thành và sự hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân trong Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ là phai nhạt; tất cả những yếu tố đó đã kết tinh, hội tụ trong Chủ tịch Hồ Chí Minh như một hình tượng trở thành nhân kiệt của cả thế giới “nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, “sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Thấm thoắt 50 năm đã trôi qua, lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, là ngọn đuốc soi đường cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là kim chỉ nam cho xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Những nội dung về đoàn kết, thống nhất trong Đảng; quan tâm chăm lo xây dựng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về nhân dân lao động… luôn được xem là những trọng điểm để các cấp, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện trong suốt 50 năm qua. Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình, phấn đấu xây dựng đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như di nguyện của Người.

Khánh Vi