Cảnh sát nhân dân Việt Nam – Tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước
Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam với tiền thân là đội “Tự vệ đỏ” ra đời từ thời điểm ác liệt của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã không ngừng lớn mạnh xứng đáng là lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lịch sử, truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam chính là những chiến công bất khuất, của lòng trung thành với cách mạng, của bản lĩnh kiên cường, tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.
Lực lượng Cảnh sát chống bạo loạn, khủng bố Công an Kon Tum
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập năm 1945, lực lượng Công an nhân dân đã đi vào hoạt động có hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng; trấn áp bọn phản động tay sai của Nhật, Pháp, Tàu Tưởng, bọn lưu manh, côn đồ, cướp của giết người, âm mưu làm mất trật tự trị an, bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng; triệt phá các tổ chức do bọn phản động sử dụng bọn lưu manh lập ra như “Thần lôi đoàn”, “Thiết huyết đoàn”, “Bàn tay máu” chuyên bắt cóc, tống tiền cướp của, giết người để phục vụ mưu đồ chống phá cách mạng. Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát) ngày 12/7/1946 đã tấn công vào trụ sở Quốc dân Đảng ở số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và số 8 Quán Thánh, Hà Hội, phá tan tổ chức phản động nguy hiểm đột lốt Quốc gia dân tộc” âm mưu cấu kết với thực dân Pháp nhằm đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Trị an hành chính (Cảnh sát) cùng toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, đấu tranh trấn áp phản cách mạng và bọn tội phạm khác, chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm, diệt tề, trừ gian. Nhiều đồng chí lập công xuất sắc được khen thưởng như: Trần Văn Châu, đội trưởng đội Công an xung phong Ký Con – Nam Định đã cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên Việt gian phản động. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc như: đồng chí Trần Thành Ngọ, Cảnh sát trưởng thành phố Hải Phòng, Chỉ huy trưởng mặt trận bảo vệ thị xã Kiến An; đồng chí Võ Thị Sáu, đội viên đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa,… Theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để bảo vệ trật tự trị an vùng căn cứ, vùng tự do, ngành Công an đã chỉ đạo lực lượng Trị an hành chính các địa phương mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, bài trừ lưu manh, lập danh sách phân loại đối tượng để theo dõi xử lý, truy bắt những tên cầm đầu nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng Trị an hành chính tích cự thực hiện chủ trương “bao vây kinh tế địch”; đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm; thực hiện các biện pháp quản lý hành chính như: cấp giấy thông hành cho nhân dân đi lại, kiểm soát hàng cơm, quán trọ, kiểm tra quản lý vũ khí, vật liệu nổ, giám sát, quản lý giáo dục các đối tượng trong diện quản chế,… việc thực hiện các biện pháp quản lý hành chính có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện tội phạm và từng bước xây dựng phát triển công tác quản lý trật tự xã hội.
Cảnh sát quật ngã Trần Trung Hùng (Ảnh: Tiền Phong)
Những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng diễn ra rất gay go, quyết liệt; lực lượng Cảnh sát phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đấu tranh chống âm mưu và hoạt động dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào nam của địch; trấn áp bọn phản động gây rối, bạo loạn ở một số địa phương (trên 200 vụ); triệt phá các tổ chức phản động, thổ phỉ; điều tra, khám phá nhưng tổ chức gián điệp do địch cài lại… Cuộc đấu tranh chống phản cách mạng trong thời gian này đã giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực góp phần làm thất bại âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng của địch. Tổng kết công tác chống tham ô, đầu cơ buôn lậu trong 10 năm (1960 – 1969) chỉ tính ở 10 địa phương lực lượng Cảnh sát đã phát hiện 11.387 vụ tham ô, điều tra khám phá 4.507 vụ; đầu cơ buôn lậu phát hiện 1.407 vụ, điều tra khám phá 1.165 vụ trong đó có nhiều vụ án điển hình như vụ Trần Công Khanh cùng đồng bọn lừa đảo, tham ô tài sản nhà nước ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (9/1966)… Trong những năm tiếp theo, lực lượng Cảnh sát nhân dân còn phục vụ tốt cuộc vận động thực hiện Nghị quyết số 198/NQ-TW (4/1970) và Nghị quyết số 228/NQ-TW (1 – 1974) của Bộ Chính trị về đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã điều tra khám phá hàng trăm vụ tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa góp phần bảo vệ kinh tế, phát triển sản xuất phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng Cảnh sát nhân dân ở các sở, ty miền Bắc tiếp tục được điều chuyển tăng cường cho Công an các sở, ty miền Nam; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được điều động tăng cường cho các đơn vị nghiệp vụ như: Quản lý hành chính, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát trại giam,… đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự vùng mới giải phóng.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với quá trình phát triển đi lên của đất nước, công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày càng được củng cố lớn mạnh về tổ chức, chuyên sâu về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đóng vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện tốt các chỉ thị, nghị định, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, thiết lập trật tự an toàn giao thông, kỷ cương, trật tự đô thị, bài trừ tệ nạn xã hội… đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt, đầy nguy hiểm với bọn tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm. Nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm đã bị triệt phá; khám phá hàng trăm đường dây buôn bán ma túy, xóa bỏ hàng nghìn tụ điểm ma túy lớn; nhiều vụ án kinh tế lớn được khám phá, thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Qua đấu tranh chống tội phạm kinh tế đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước, bảo vệ nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ luôn đảm bảo an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, các cơ quan ngoại giao và các chuyến hàng đặc biệt, tham gia giải quyết các điểm nóng ở nông thôn, trực tiếp tham gia giúp đỡ nhân dân giải quyết tốt các điểm nóng ở nông thôn, trực tiếp tham gia giúp đỡ nhân dân giải quyết hậu quả thiên tai, bão lụt… Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẵn sàng dập tắt các đám cháy, đã cứu chữa nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân… Lực lượng Cảnh sát quản lý, giáo dục phạm nhân, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã giáo dục, cải tạo và trả lại tự do cho hàng vạn phạm nhân, số đông trong họ đã trở thành người làm ăn lương thiện hòa nhập với cộng đồng. Lực lượng Cảnh sát Cảnh sát Kỹ thuật hình sự tỉ mỉ, sáng tạo dệt lên những bề dày thành tích không chỉ ở công tác khám nghiệm, giám định hiện trường mà cả trong công tác tàng thư, căn cước; Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát không ngừng đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Công an Kon Tum làm tốt công tác thu hỗi vũ khí (Ảnh: congankontum.gov.vn)
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến vô cùng phức tạp. Những yếu tố tiêu cực của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, cộng với những khó khăn trước mắt về kinh tế, xã hội trong nước, đã và đang tác động đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; phòng, chống mua bán người… gắn với các chương trình kinh tế – xã hội khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; giáo dục, cảm hóa những người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư; tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm vững chắc ở từng địa bàn, cơ sở.
Điển hình như: Năm 2017, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã điều tra, khám phá 40.497 vụ, 58.983 bị can phạm tội xâm phạm về trật tự xã hội. Về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng, đã phát hiện, khởi tố điều tra 854 vụ, 1.491 bị can về tội xâm phạm quản lý kinh tế; 220 vụ, 479 bị can về tội tham nhũng; 22 vụ, 803 bị can về tội phạm về chức vụ. Tội phạm về môi trường đã khởi tố điều tra 348 vụ, 409 bị can; tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố điều tra 197 vụ, 339 bị can; tội phạm về ma túy, đã khởi tố điều tra 16.923 vụ, 20.791 bị can, thu giữ số lượng lớn ma túy…
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2018, nhiều chuyên án lớn được đấu tranh, khám phá. Điển hình như chuyên án bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Thanh Tuân (34 tuổi) và Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi) – hai trùm ma tuý đang bị truy nã tại bản Tà Dê, Lóng Luông, Vân Hồ, tỉnh Sơn La; chuyên án bắt giữ đối tượng Tàng ‘Keangnam’ (SN 1982) cầm đầu đường dây tàng trữ, mua bán gần 1000 bánh heroin…
Những kết quả và thành tích tự hào của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong những năm vừa qua đã khẳng định ý chí, bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong mọi tình huống, nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những thành tích đã đạt được của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho lực lượng: 01 Huân chương Sao Vàng, 09 Huân chương Hồ Chí Minh; 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn tập thể, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn lượt tập thể và cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tặng Huy chương các loại và Bằng khen Chính phủ…
Kỷ niệm 56 năm, Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại những chiến công oanh liệt, đặc biệt là những phẩm chất cao đẹp của thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ cách mạng. Để một lần nữa chúng ta thêm tự hào về ý chí kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ của các thế hệ đi trước, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảo lực lượng Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Zin Bon (theo csnd.vn)