Người Cộng sản kiên trung, bất khuất, tình đồng chí sắt son
Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản cống hiến hết mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào sáng ngày 13-5-1975
Đặc biệt, đồng chí đã trải qua hơn 16 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, nhưng luôn thể hiện ý chí, nghị lực phi thường, tấm gương sáng của người cộng sản kiên trung, bất khuất.
Tháng 7-1929, khi đang hoạt động sôi nổi trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, bị tran tấn dã man, nhưng đồng chí luôn luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, chống lại sự khủng bố của địch, không để chúng khai thác được thông tin về tổ chức bí mật của cách mạng tại Sài Gòn và ở Nam Kỳ. Đồng chí còn động viên anh em cùng bị bắt và bị giam, luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản, tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng.
Thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị bắt. Ngày 25-6-1930, tòa đại hình Sài Gòn của thực dân Pháp kết án Tôn Đức Thắng 20 năm khổ sai. Ngày 3-7-1930, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng nhiều chiến sĩ cách mạng và yêu nước bị đày ra Côn Đảo. Đến ngày 23-9-1945, khi Côn Đảo được giải phóng, người tù chính trị mang số thẻ 5289-TF, kèm theo hai chữ S.D (tức phần tử nguy hiểm) mới được trả tự do, trở về đất liền và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng không mệt mỏi, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng
Bị đày ra nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn không nhụt ý chí và tinh thần đấu tranh cách mạng, luôn tìm mọi cách bắt liên lạc với tù chính trị để tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời điểm đồng chí Tôn Đức Thắng bị đưa ra Côn Đảo, nơi đây có gần 2.000 tù nhân, trong đó có khoảng 300 người mang án tù chính trị, bị chúng giam ở Banh II, nhưng đồng chí Tôn Đức Thắng bị giam ở Banh I, cùng với hơn 1.000 tù án khổ sai. Bọn thống trị cố tình khép tội đồng chí Tôn Đức Thắng là “giết người” để giam chung với tù thường, phạm án nặng, hòng mượn tay đám “anh chị” tù thường thủ tiêu Tôn Đức Thắng trong khám. Nhưng với bản lĩnh chính trị và trí tuệ, sự nhanh nhạy và sáng suốt, cùng đạo đức cách mạng, đồng chí đã từng bước thuyết phục, cảm hóa được nhiều loại tù nhân trong banh.
Khi mới ra Côn Đảo, trong điều kiện quản lý ngặt nghèo của cai tù, lợi dụng công việc mà chúng giao hằng ngày, đồng chí luôn tìm cách liên hệ với anh em tù chính trị. Khi đi đem nước cho tù nhân trong xà lim, đồng chí đã liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Hoan (cán bộ Tỉnh ủy Ninh Bình) và một số tù cộng sản chuyển từ Banh II sang Banh I, trong đó có các đồng chí Tống Văn Trân, Nguyễn Hới, Tạ Uyên… Từ đây, Tôn Đức Thắng có thêm những người đồng chí của mình. Nhận thấy cần đoàn kết người tù trước đòn roi, tra tấn tàn bạo của bọn cai tù; từng là người có kinh nghiệm tổ chức Công hội bí mật ở Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đề xuất và cùng những người cộng sản thành lập “Hội người tù đỏ”, làm hạt nhân đoàn kết, tập hợp anh em tù nhân, tạo sức mạnh đoàn kết chống lại chế độ lao tù; đồng chí được tín nhiệm cử làm hội trưởng.
Năm 1934, để đáp ứng thực tiễn tình hình và tập hợp rộng rãi lực lượng, “Hội người tù đỏ” phát triển thành “Hội tù nhân thống nhất”, đề ra tôn chỉ, mục đích quy tụ quần chúng rộng rãi. Đồng chí Tôn Đức Thắng tiếp tục được tín nhiệm cử phụ trách Hội tù nhân. Hội thu hút ngày càng đông tù nhân tham gia, nhiều người sau này trở thành chiến sĩ cộng sản, tham gia kháng chiến, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Đồng chí Tôn Đức Thắng cũng tích cực đấu tranh và chuẩn bị cho việc thành lập chi bộ Đảng tại nhà tù. Trong tranh luận để tiến tới thành lập chi bộ, đồng chí khẳng định: “Ở đâu có người cộng sản, ở đó phải có tổ chức, có đấu tranh”(1). Từ những ý kiến tranh luận, trong đó có quan điểm đúng đắn của đồng chí Tôn Đức Thắng, đa số tù nhân đi đến thống nhất: “Bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, người cộng sản cũng phải không ngừng hoạt động cách mạng; nơi nào có người cộng sản là ở đó cần có tổ chức Đảng để giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo đấu tranh. Vào tù không phải nằm im chờ hay bó tay chịu chết; ngay ở Côn Đảo cũng phải tiếp tục đấu tranh cách mạng và cần phải có tổ chức Đảng làm hạt nhân”(2).
Cuối năm 1932, Chi ủy đầu tiên ra đời tại Banh I, gồm các đồng chí: Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thám, Lý Cường, Bảy Cùi, Tạ Uyên, do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Tháng 5-1933, gần 100 tù cộng sản từ Khám lớn Sài Gòn tiếp tục bị đày ra Côn Đảo. Chi ủy Chi bộ nhà tù tiếp tục được bổ sung thêm các đồng chí, như: Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Diểu, Trần Quang Tặng… Đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Tôn Đức Thắng được Chi ủy cử phụ trách Hội tù nhân.
Chi ủy tập trung bàn việc kết nạp thêm đảng viên, đề ra chủ trương, chạy tiền cho một số đồng chí ra làm các sở ở ngoài để mở rộng hoạt động của chi bộ. Đồng chí Tôn Đức Thắng được chi ủy cử phụ trách “Hội những người tù đỏ” và công tác giao thông liên lạc. Khi làm công việc quét dọn tại Banh I, đồng chí liên hệ giữa các anh em tù chính trị; khi làm việc tại sở lưới, vừa sửa máy ca nô, đồng chí là trung tâm giao liên quan trọng của tổ chức Đảng, là đầu mối để tổ chức cán bộ, đảng viên tù ở Côn Đảo trốn về đất liền hoạt động. Với bàn tay khéo léo của người lính thợ, đồng chí thường nhồi các tài liệu vào những con vích, đồi mồi, mẩu thuốc lá bằng cây dương nước…, nhờ các thủy thủ tin cậy chuyển về Sài Gòn. Đồng chí cũng là đầu mối nhận các tài liệu, sách báo từ đất liền chuyển ra đảo.
Khi Chi ủy xuất bản và lưu hành tờ báo Ý kiến chung làm phương tiện tuyên truyền, chỉ đạo các hoạt động của những người tù cộng sản, đồng thời giác ngộ, giáo dục, tổ chức quần chúng và các đảng viên cộng sản, tạo thành một khối thống nhất, Ban biên tập của báo được đặt tại Khám 9, Banh I, nơi đồng chí Tôn Đức Thắng bị giam giữ. Đồng chí có vai trò lớn trong việc cho ra đời tờ báo, viết bài cho báo, đồng thời tìm mọi cách bảo vệ, duy trì tờ báo hoạt động bí mật, mở đường dây liên lạc quan hệ với các banh khác, tạo điều kiện phát hành tờ báo bí mật đến các cơ sở. Báo Ý kiến chung đã phản ánh nguyện vọng chung, là diễn đàn của những người tù ở Côn Đảo. Khoảng năm 1935, chi bộ nhà tù lại cho ra đời Tạp chí Tiến lên, là cơ quan thông tin và hướng dẫn đấu tranh, được lưu truyền rộng rãi trong tù. Đồng chí Tôn Đức Thắng thay mặt chi ủy tổ chức và chỉ đạo. Ý kiến chung và Tiến lên có vai trò quan trọng trong việc thống nhất tư tưởng và hành động của những người tù cộng sản ở nhà tù Côn Đảo.
Tổ chức Đảng ra đời trong nhà tù Côn Đảo đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Từ đây, các cuộc đấu tranh của tù nhân được tổ chức chặt chẽ hơn; có chỉ huy, có mục tiêu, khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh, trong đó có sự đóng góp quan trọng, hiệu quả của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Tấm gương người cộng sản kiên trung
Trước đòn roi tra tấn của bọn cai tù, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng luôn thể hiện sự kiên trung, ý chí bất khuất và tấm lòng thương yêu đồng chí, thương yêu con người hết mực.
Dưới đòn roi tra tấn không ngớt của bọn cai ngục, mã tà, gác điêng… đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn luôn tìm mọi cách để chăm sóc, bảo vệ các đồng chí của mình. Biết thông tin đồng chí Nguyễn Văn Hoan (người giới thiệu đồng chí Trường Chinh vào Đảng và là một trong 128 người bị đày ra Côn Đảo sớm nhất) bị bắt trong vụ treo cờ đỏ ở Ninh Bình và bị đày ra Côn Đảo; nghe đồng chí nói “ăn muối xót ruột, cho tôi rau”, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tìm cách giấu trong thùng nước tắm những chiếc lá bàng non; trong hoàn cảnh tù nhân bị nghiêm cấm, nếu bị phát hiện có thể bị nhốt vào hầm tối, hoặc bị đòn roi nhừ tử. Qua đó cho thấy tình cảm và tấm lòng hết mình vì đồng chí của người tù cộng sản Tôn Đức Thắng.
Cuối năm 1932, khi bị phạt vào Hầm xay lúa, nơi được coi là ‘nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục’, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tìm mọi cách đấu tranh để đòi quyền lợi cho tù nhân. Năm 1933, cặp rằng Bảy Tốt tàn ác, bị anh em Hầm xay lúa giết chết; bọn cai ngục buộc Tôn Đức Thắng làm cặp rằng, với âm mưu mượn tay những tù lưu manh giết đồng chí. Vậy nhưng, đồng chí đã thực hiện cuộc “cách mạng” trong Hầm xay lúa; đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, dìu dắt anh em tù đứng lên đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc nặng nhọc, sinh hoạt khổ sai; tổ chức anh em tù chính trị làm hạt nhân, đoàn kết toàn thể anh em tù, không phân biệt tù chính trị và tù thường phạm; bố trí lại công việc cho hợp lý. Đồng chí còn bí mật dặn anh em khi quạt gạo không quạt kỹ, để anh em ở chuồng nuôi heo sàng lại, lấy tấm ăn thêm, hoặc chuẩn bị lương thực cho anh em trốn trại. Đồng chí còn tổ chức các buổi học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho anh em tù.
Bị đày ra Côn Đảo khi đã ở độ tuổi trung niên, nhiều tuổi hơn các anh em tù khác, nhưng trong các cuộc đấu tranh kiên quyết với kẻ thù, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn xung phong vào “đội tiền phong” để chịu đòn roi và chăm sóc những đồng chí yếu. Trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của tù nhân tháng 5-1936, sau ba ngày tuyệt thực, bọn cai ngục huy động binh lính, gác điêng, mã tà… dùng súng, roi, gậy gộc đánh tù nhân. Đội tiền phong, trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng anh em thanh niên đứng ra chặn trước cửa để bảo vệ những đồng chí yếu. Dù bị thương tích nặng, đồng chí vẫn cõng những đồng chí yếu đến nhà thương băng bó. Sau các cuộc đấu tranh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng càng được nhiều anh em tù nể phục, quý mến; nhiều cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi, đem lại quyền lợi thiết thực cho tù nhân.
Trong lao tù đế quốc, những người tù cộng sản, trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, giữ vững ý chí chiến đấu và tinh thần cách mạng, đồng thời đặc biệt chăm lo tổ chức các trường học cách mạng, nhằm nâng cao trình độ và ý chí chiến đấu cho các bạn tù.
Sau hàng loạt cuộc đấu tranh và vượt ngục của tù nhân, tháng 3-1935, Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh cấm cố toàn bộ số tù chính trị đang làm ở các sở ngoài vào Banh I. Đồng chí Tôn Đức Thắng cũng bị đưa vào cấm cố tại Khám 8. Đây là thời kỳ học tập lý luận và hoạt động sôi nổi, đi vào chiều sâu của tù chính trị Banh I. Đồng chí rất tâm đắc với sách lược đấu tranh linh hoạt, phong phú và mềm dẻo mà Đảng ta chủ trương trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Những vấn đề lý luận học được ở trong tù và kinh nghiệm tổ chức Công hội ở Sài Gòn, cũng như thực tiễn đấu tranh của Hội tù nhân Côn Đảo đã tôi luyện đồng chí Tôn Đức Thắng, giúp đồng chí trưởng thành, hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao sau này.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng và Chính phủ tổ chức đón các tù chính trị Côn Đảo trở về. Ngày 23-9-1945, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng nhiều chiến sĩ cộng sản về đến đất liền và tiếp tục tham gia vào cuộc trường chinh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đấu tranh thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Hơn 16 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đặc biệt là tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng những người tù cộng sản biến ngục tù đế quốc thành lò luyện ý chí đấu tranh, thành trường học cách mạng. Trong cuộc đấu tranh đó, ngời sáng tấm gương Tôn Đức Thắng-người cộng sản kiên trung, bất khuất; ngời sáng tình người, tình đồng chí và tinh thần bền bỉ rèn luyện học tập, đấu tranh không ngừng; mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Theo www.qdnd.vn