Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (14/6/1996 – 31/8/1996)
Công an Kon Tum – Biên niên sự kiện lịch sử (14/6/1996 – 31/8/1996)
14/06/1996
TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH BẢO VỆ ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP
CỦA TỈNH, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII
Từ ngày 28/06-02/07/1996, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được khai mạc và diễn ra tại Hà Nội. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII; Tổng kết 10 năm đổi mới và đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2000 và tầm nhìn đến năm 2020.
Trước tình hình trên, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần bảo vệ an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, ngày 14/06/1996, Công an tỉnh Kon Tum thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng do đồng chí Dương Quang La – Phó Giám đốc làm Trưởng ban. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo, các đơn vị, Công an các huyện, thị xã tăng cường lực lượng xuống cơ sở, bám sát địa bàn trọng điểm; tiến hành công tác trinh sát, rà soát, phân loại số đối tượng cơ hội chính trị, số bất mãn tiêu cực, có quan điểm sai trái, cực đoan quá khích, thoái hoá biến chất; mở các đợt trấn áp các tụ điểm tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; tham mưu cho các cấp uỷ Đảng giải quyết những vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện tranh chấp tại địa phương không để phát sinh thành điểm nóng, gây rối, bạo loạn hoặc tập trung ra Hà Nội khiếu kiện; triển khai thực hiện thường xuyên các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội; phối hợp với lực lượng quân đội tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, chống địch xâm nhập; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn quần chúng nhân dân có hiện tượng tụ tập đông người để biểu tình; củng cố lực lượng bảo vệ tại chổ ở các cơ quan xí nghiệp, dân quân tự vệ, phòng chống cháy nổ. Bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh, các kho tàng bến bãi, Đài phát thanh truyền hình…
Trong quá trình tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, các đơn vị trong toàn Công an tỉnh thực hiện chế độ trực 100% quân số và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện nghiệp vụ sẵn sàng chiến đấu. Do được triển khai và chỉ đạo thực hiện kế hoạch một cách kịp thời, chặt chẽ, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lực lượng tấn công truy quét kiên quyết bọn tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội và đặc biệt biết vận dụng các biện pháp nghiệp vụ linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương nên suốt thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn được đảm bảo, giữ vững, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng.
11/07/1996
GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH
TỔ CHỨC MỘT SỐ PHÒNG THUỘC CÔNG AN TỈNH
Để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và không ngừng kiện toàn tổ chức, ổn định biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Công an. Năm 1996, Công an tỉnh có 30 phòng, ban với 650 cán bộ chiến sĩ. Thực hiện Quyết định số 739/QĐ-BNV, ngày 14/4/1996 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc điều chỉnh một số phòng thuộc Công an tỉnh Kon Tum. Ngày 11/07/1996, Giám đốc Công an tỉnh đã ra quyết định điều chỉnh tổ chức bộ máy, điều động thuyên chuyển một số lãnh đạo cấp phòng như sau:
Phòng Xây dựng lực lượng được tách ra thành hai phòng mới là: Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Công tác chính trị. Phòng Tổ chức cán bộ do đồng chí Nguyễn Công Văn làm Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Văn Hợi làm Phó Trưởng phòng; Phòng Công tác chính trị do đồng chí Nguyễn Văn Quang làm Phó Trưởng phòng phụ trách và đồng chí Nguyễn Văn Mạnh làm Phó Trưởng phòng.
Phòng Bảo vệ nội bộ được tách ra thành hai phòng mới là: Phòng An ninh kinh tế do đồng chí Hoàng Lệnh làm Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Đình Ân và Nguyễn Đức Thuyết làm Phó Trưởng phòng; Phòng Bảo vệ an ninh – Văn hoá – Tư tưởng do đồng chí Nguyễn Thành Được làm Trưởng phòng, đồng chí Trương Quang Giàu làm Phó Trưởng phòng.
Phòng chống gián điệp, phản động được tách ra thành hai phòng mới là: Phòng chống gián điệp do đồng chí Lê Văn Minh làm Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Trung Kiên làm Phó Trưởng phòng; Phòng chống phản động do đồng chí Nguyễn Văn Dương làm Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Đình Sùng làm Phó Trưởng phòng.
Phòng Cảnh sát điều tra được tách thành Phòng Cảnh sát hình sự do đồng chí Nguyễn Văn Cường làm Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Văn Thắng làm Phó Trưởng phòng và Phòng Cảnh sát kinh tế do đồng chí Huỳnh Quang Bình làm Trưởng phòng, đồng chí Võ Lâm Khởi làm Phó Trưởng phòng.
Chức năng, nhiệm vụ của các phòng cũng được điều chỉnh theo hướng tập trung, chuyên sâu. Riêng phòng Công tác chính trị có thêm chức năng tham mưu giúp Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh về công tác Đảng, công tác quần chúng.
31/08/1996
ĐIỀU TRA VỤ ÁN SỬ DỤNG VŨ KHÍ TRÁI PHÉP GÂY CHẾT NGƯỜI TẠI XÃ VĂN LEM, HUYỆN ĐĂKTÔ
Vào ngày 27/08/1996, A Thu đã mượn súng AR15 của anh Dũng để đi săn, đến ngày 31/08/1996, A Mon, A Peang và A Ghin rủ nhau đi săn nhưng không có súng nên A Peang đã đi gặp A Bung nhờ hỏi mượn súng. A Bung đã mượn dùm cho A Peang khẩu súng AR15 của A Thu nhưng súng không có đạn nên A Ghin đã bỏ 2 viên đạn vào.
Sau đó cả 3 người A Mon, A Peang và A Ghin đi săn, lúc đầu A Peang mang súng, đi đến rừng A Peang đưa súng cho A Mon cầm để bắn, vì A Mon có kinh nghiệm trong bắn súng. Khi đến nơi 3 người chia làm 2 hướng đi, A Ghin và A Peang đi hướng lên rãy, sau đó quay xuống phía dưới thung lũng, đi được một đoạn A Ghin bảo A Peang đi trước chờ A Ghin đại tiện. Trong lúc A Ghin đại tiện gần bụi le thì A Peang đi trước chặt cây để làm gùi và đứng chờ. Còn A Mon cầm súng AR15 đi một hướng khác, từ thung lũng đi lên khoảng 300m thì nghe có tiếng động, A Mon tiến lại gần cách khoảng 20m thì A Mon phát hiện thấy một vật đen nhô sau bụi le, tưởng là Heo rừng nên A Mon đã giương súng bắn một phát vào vật đen sau bụi le. Liền sau tiếng súng nổ có tiếng người kêu: “A ! anh bắn tôi rồi”, ngay lúc đó A Mon chạy tới thấy A Ghin đã ngã gục xuống. Lúc này A Peang nói A Mon: “Sao không bình tĩnh để rồi bắn bậy bạ” và giật lấy súng, sau đó để A Mon trông coi A Ghin, còn A Peang chạy về báo anh em trong làng ra khiêng A Ghin về, trên đường đi A Ghin đã chết vì vết thương quá nặng.
Sau khi sự việc xảy ra, A Mon đã tự thú với cơ quan Công an, còn khẩu súng AR15 đã bị cơ quan Công an thu giữ. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra đã phát hiện thu giữ 01 vỏ đạn đã bắn có ký hiệu TW66, tại Bản Giám định số 2014/C21(P4) ngày 27/11/1996 của Viện Khoa học hình sự Bộ nội vụ đã kết luận: Vỏ đạn có ký hiệu TW66 thu được trong vụ án là do khẩu súng Tiểu liên AR15 của A Mon bắn.
Trong vụ án này, Lý Tiến Dũng là người trực tiếp quản lý khẩu súng AR15 đã để các đối tượng trên mượn súng đi săn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 94/CV ngày 08/11/1996, chuyển Lý Tiến Dũng sang Cơ quan điều tra thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum điều tra xử lý theo thẩm quyền. Đối với những đối tượng khác có liên quan trong vụ án này như A Peang, A Bung cơ quan điều tra xét thấy họ là người dân tộc địa phương, trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum không khởi tố. Còn đối với bị cáo A Thu, A Mon đã dùng súng đi săn bắn mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bắn trúng A Ghin làm A Ghin chết. Vì vậy Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã hoàn tất hồ sơ vụ án chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố, Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum đã mở phiên toà xét xử 2 bị can A Thu và A Mon về tội: “Sử dụng vũ khí trái phép gây hậu quả nghiêm trọng”, tuyên phạt bị cáo A Mon 8 năm tù, A Thu 3 năm tù treo.
Duy Hòa (Phòng Tham mưu)