A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lịch sử hình thành và phát triển của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Kỳ 1: Lực lượng bảo vệ dân phố)

Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường) nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng bảo vệ dân phố đã từng bước được xây dựng, củng cố ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là một trong những tổ chức quần chúng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có thể khái quát quá trình hình thành và phát triển của lực lượng bảo vệ dân phố qua những giai đoạn sau:

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 680/TA-HK chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc chuẩn bị tiến hành công tác điều tra đăng ký hộ khẩu, trong đó có bước chuẩn bị bầu Tổ trưởng nhân dân và Ban bảo vệ dân phố. Đây là căn cứ quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng bảo vệ dân phố toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác trị an ở khu vực địa bàn thành phố, thị xã và củng cố chính quyền ở cơ sở.

Ngày 23/7/1963, Bộ Công an ban hành Quy định số 143/VP quy định tạm thời về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của bảo vệ dân phố. Ở giai đoạn này, Ban bảo vệ dân phố là một tổ chức do đại diện các hộ trong khối nhân dân trực tiếp bầu ra, theo nguyên tắc dân chủ, bỏ phiếu kín. Ban bảo vệ dân phố có từ 03 đến 07 người; trong đó có 01 Trưởng ban và 01 hoặc 02 Phó ban, còn những người khác là ủy viên của ban với nhiệm kỳ hoạt động là 02 năm. Ban bảo vệ dân phố có nhiệm vụ vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân tiến hành công tác bảo vệ trị an, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Công an khu phố, thị xã: Tổ chức, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia phong trào Bảo vệ trị an, đấu tranh chống các bọn gián điệp và các bọn phản cách mạng khác, chống những luận điệu phao đồn tin nhảm, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; chống bọn tội phạm hình sự; vận động, tổ chức nhân dân tham gia công tác giáo dục, cải tạo những người trước kia tham gia tổ chức phản động cũ chưa chịu cải tạo; giáo dục giám sát những người bị quản chế; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành đầy đủ những luật lệ và quy tắc trật tự trị an của thành phố, thị xã; bảo vệ dấu vết nơi xảy ra tai nạn xe cộ, án mạng… và báo cáo ngay cho Công an khu phố, thị xã. Thường xuyên và kịp thời phản ánh tình hình trật tự trị an và ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cho cơ quan khu phố, thị trấn; hướng dẫn các Tổ trưởng, Tổ phó nhân dân làm công tác giữ gìn trật tự trị an khu phố…

Bên cạnh những kết quả công tác đã đạt được, các Ban bảo vệ dân phố chưa thực sự được quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn chưa cao. Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngày 16/8/1995, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có Quyết định số 521/QĐ-BNV ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban bảo vệ dân phố thay thế Quy định số 143/VP. Đồng thời, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cũng ban hành Chỉ thị số 08/BNV-C11 ngày 16/8/1995 về triển khai thực hiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban bảo vệ dân phố. Ở giai đoạn này, Ban bảo vệ dân phố là tổ chức quần chúng được thành lập ở các khu vực dân cư phường, thị trấn; là tổ chức nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc để tổ chức vận động nhân dân trong khu vực thực hiện nghĩa vụ giữ gìn an ninh, trật tự. Nhiệm kỳ hoạt động là 02 năm; cơ cấu tổ chức của Ban bảo vệ dân phố có 01 Trưởng ban và 01 Phó Trưởng ban. Ban bảo vệ dân phố do đại diện các hộ gia đình trong khu vực bầu ra, được chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn ra quyết định công nhận. Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các ủy viên, cán bộ bảo vệ dân phố được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu thống nhất của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Thực hiện Quyết định số 521/QĐ-BNV, lực lượng bảo vệ dân phố trong cả nước không ngừng được xây dựng, củng cố và ngày càng lớn mạnh.

Về nhiệm vụ của bảo vệ dân phố, đã có một số nội dung thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế và những văn bản quy phạm pháp luật khác như: Phối hợp với lực lượng bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn để cùng bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực. Tổ chức và vận động nhân dân tham gia cảm hóa, giúp đỡ những người đang trong diện cải tạo không giam giữ, quản chế, tù được hưởng án treo, tù tha về đang trong thời gian thử thách, đối tượng giáo dục tại phường, thị trấn ở khu vực chấp hành theo quy định của pháp luật; phát hiện, truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án; vận động thuyết phục đối tượng phạm tội đang lẩn trốn ra tự thú; phối hợp với gia đình, nhà trường, đoàn thể có biện pháp quản lý, giáo dục trẻ em phạm pháp…

Để tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở địa bàn đô thị trong tình hình mới, ngày 17/4/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP về bảo vệ dân phố. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách đối với bảo vệ dân phố. Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố. Nghị định số 38/2006/NĐ-CP đã khẳng định: bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường) nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập; thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn. Nghị định số 38/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC nêu trên cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ của bảo vệ dân phố trong công tác nằm tình hình an ninh trật tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các vụ vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường; phản ánh cho cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân phường, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; tham gia hoà giải, giải quyết kịp thời không để những hậu quả xấu xảy ra; phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự nhằm vận động nhân dân trong phường tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự; tham gia xây dựng phường, cụm dân cư, hộ gia đình an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội; công tác phối hợp với các lực lượng khác trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật… Mỗi cụm dân cư được thành lập một tổ bảo vệ dân phố. Tổ trưởng và các tổ viên tổ bảo vệ dân phố do đại diện các hộ gia đình trong cụm dân cư bầu ra. Tùy vào tình hình đặc điểm và số lượng dân cư trên địa bàn, mỗi tổ bảo vệ dân phố có từ 3 đến 7 tổ viên. Mỗi phường được thành lập một Ban bảo vệ dân phố. Ban bảo vệ dân phố gồm Trưởng ban, các Phó trưởng ban và các Ủy viên. Ủy viên Ban bảo vệ dân phố là tổ trưởng các tổ bảo vệ dân phố ở các cụm dân cư. Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban bảo vệ dân phố do tập thể Ủy viên Ban bảo vệ dân phố bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng Công an phường có trách nhiệm tổ chức việc bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, tổ trưởng và các tổ viên bảo vệ dân phố và đề nghị Ủy ban nhân dân phường quyết định công nhận các chức danh trên. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban bảo vệ dân phố là 5 năm. Đồng thời, các văn bản này cũng quy định cụ thể chế độ chính sách đối với bảo vệ dân phố: bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng do Ủy ban nhân dân phường chi trả; việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ chính sách cho bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương; việc trang bị phương tiện cho bảo vệ dân phố.

Ngày 18/12/2016, Bộ Công an tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2006 – 2016) công tác Công an thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP và triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCA-V28 ngày 01/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Hơn 10 năm qua, Bộ Công an, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 38/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp và đông đảo Nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bảo vệ dân phố được nâng lên. Lực lượng bảo vệ dân phố được kiện toàn về tổ chức theo đúng quy định, công tác bồi dưỡng, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ được thực hiện thống nhất về chương trình, nội dung, phù hợp với thực tiễn; việc bảo đảm các điều kiện hoạt động của bảo vệ dân phố như trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, phương tiện làm việc, bố trí nơi làm việc, chế độ, chính sách… được quan tâm hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bảo vệ dân phố.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020 cả nước đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên. Lực lượng bảo vệ dân phố đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác nắm, phản ánh cho Công an, Ủy ban nhân dân phường tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn; tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực đôn đốc, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật quản lý hành chính về trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những lỗi lầm tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn; tổ chức tuần tra, kiểm soát và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn đô thị.

Như vậy, có thể thấy rằng, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở thuộc khu vực thành thị bên cạnh lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phường, thị trấn góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ở nước ta, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị tại một số địa phương vẫn còn những diễn biến phức tạp; tội phạm hình sự nói chung tuy đã được kiềm chế sự gia tăng, song từng lúc từng nơi vẫn khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Đặc biệt là tội phạm cướp giật trộm cắp, tình hình hoạt động của tội phạm băng nhóm đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, có nhiều vụ chống lại người thi hành công vụ, tội phạm hình sự nguy hiểm ngày càng gia tăng về số vụ mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả tác hại. Tình hình trên tác động xấu đến an ninh trật tự, làm quần chúng nhân dân rất lo ngại. Vấn đề trên một phần xuất phát từ nguyên nhân chưa có những quy định thống nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, từ đó, chưa thể phát huy tốt đa vai trò của các lực lượng này.

Do vậy, để làm tốt công tác nắm tình hình quản lý địa bàn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn dân cư, thời gian tới đòi hỏi phải có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về tình hình, kết quả hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố; đồng thời, có giải pháp hiệu quả để hoàn thiện về mặt tổ chức, nhân sự đối với làm nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở; góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự cả nước.

Hoàng Phúc (tổng hợp)