A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự nguy hiểm cháy và các biện pháp phòng cháy an toàn khi hàn, cắt kim loại

 

Phần lớn thợ hàn cắt kim loại làm trong những cơ sở nhỏ và vừa nên không có nghiệp vụ phòng chữa cháy. Mảnh kim loại khi hàn văng vào vật dụng dễ cháy bắt lửa, còn thợ hoảng sợ bỏ chạy. Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra có nguyên nhân từ việc hàn xì.

Điển hình như vụ cháy tòa nhà 70 tầng Keangnam Landmark Tower , đường Phạm Hùng, Hà Nội, ngày 27/8. Khu vực phát cháy ở tầng dùng làm gara ôtô. Nguyên nhân là do các công nhân bất cẩn khi hàn, cắt lắp đặt hệ thống máy tản nhiệt, máy làm mát. Tia lửa hàn bén vào vật liệu dễ bắt lửa của hệ thống điều hòa gây cháy và lan nhanh.

Mới đây nhất là vụ hỏa hoạn tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên phố Cửa Bắc (Hà Nội) chiều 15/12. Nguyên nhân cháy vẫn đang được tiếp tục điều tra, song theo xác định bước đầu của cơ quan điều tra, có thể hỏa hoạn do công nhân bất cẩn trong khi hàn xì hoặc để thuốc lá bắn vào mút xốp gây cháy.

Trong rất nhiều các nguyên nhân gây cháy tại các cơ sở thì nguyên nhân do thợ hàn vi phạm các qui định về phòng cháy khi thực hiện công việc chiếm một số lượng lớn, một phần do ý thức trách nhiệm của người chủ cơ sở chưa cao khi thuê thợ hàn, một phần là do thợ hàn chưa được trang bị kiến thức về PCCC và thiếu ý thức đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc của mình.

 

alt


Biện pháp phòng cháy:

Người đứng đầu cơ sở phải có ý thức đảm bảo an toàn PCCC, thợi hàn cắt phải được trang bị các kiến thức về an toàn PCCC.

Trước khi tiến hành công việc hàn cắt kim loại phải tiến hành sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, nếu cần phải sử dụng các tấm vật liệu không cháy để che phủ và ngăn cách không cho vảy hàn, tia lửa tiếp xúc với chất cháy.

Khi hàn cắt trên cao, những mẫu que hàn thừa cần bỏ vào thùng kim loại có chứa cát; dây điện, trừ công đoạn di chuyển tự do, còn thì phải buộc chặt; trong phạm vi 15m phải dọn sạch sẽ, ngăn nắp, cần sử dụng vải bạt hay tấm che bằng vật liệu không cháy để che chắn.

Trước khi hàn tron các thùng, xi téc, nồi hơi, giếng lò và những nơi chật hẹp, hầm kín cần phải kiểm tra và loại trừ khí độc, khí cháy; nếu cần ánh sáng phải sự dụng loại chống nổ; phương tiện phòng hộ phải có tính năng cách điện.

Khi tiến hành sửa chữa, hàn cắt những bình, thùng chứa các chất dễ cháy; phải cọ rửa thật kỹ càng, loại bỏ hết những chất dễ cháy và kết hợp thỏi gió; các chất cặn bã trong thùng phải lấy đi bằng dụng cụ riêng (như: cào gỗ, nạo bằng đồng thau)

Trước khi hàn, cắt phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các trang thiết bị PCCC, các phương tiện phục vụ hàn cắt như: chai oxy, chai axetylen, máy hàn điện, mỏ hàn… phải đúng quy trình kỹ thuật; khi hàn phải có các dụng cụ chữa cháy như: cát, nước, bình chữa cháy, thiết bị bảo hộ…

Phải cử người giám sát về an toàn cháy, nổ tại hiện trường; sau khi hoàn tất hàn cắt phải kiểm tra kỹ càng chỗ làm việc, nền nhà và các khu vực xung quanh trước khi rời khỏi hiện trường. Nếu có tàn lửa, thì phải dội nước dập tắt tàn lửa.

Thợ hàn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hàn, cắt kim loại theo quy trình hàn cắt kim loại.



Nguyễn Đình An (Phòng CS PCCC và CNCH)