A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Trần Thị Thu Phước: “Khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên”

Sáng ngày 9/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai của đợt họp tập trung, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thượng tá Trần Thị Thu Phước – Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có bài phát biểu với nhiều ý kiến quan trọng và tâm huyết.

Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Phước đã chia sẻ về sự khó khăn của nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo các chi phí về trang thiết bị phục vụ học trực tuyến: “Thực tiễn ở địa phương tôi, rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn và không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu để mua điện thoại thông minh, hoặc tầm 10 triệu cho một máy tính”. Từ đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét, bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng và giải pháp cụ thể hơn giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, đại biểu Phước cũng nêu quan điểm: “Với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay thì hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài”.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước tham gia phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội

Nêu tình trạng công nhân, người dân di chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về các vùng quê dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đại biểu Phước đặt ra câu hỏi: “Đối với vấn đề này, chúng ta đã có bất cứ đánh giá nào để chủ động ứng phó với tình trạng này chưa? Giả sử việc thiếu hụt lao động diễn biến ngày càng trầm trọng hơn thì giải pháp của chúng ta trong vấn đề này là gì? Tôi nghĩ cần phải có những giải pháp cụ thể”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung giải pháp giai đoạn tới đối với số dân đã đi về các vùng quê mà chưa thể quay trở lại nơi làm việc cũ, hiện đang thất nghiệp tạm thời.

Về sự thay đổi về hình thái lao động, việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đại biểu Phước đã đề cập đến những bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về những vấn đề pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp triển khai mô hình làm việc trực tuyến: “Giả sử, có những tình huống tai nạn tại nhà như máy tính phát nổ, chập điện khi sử dụng thiết bị để làm việc qua mạng… thì pháp luật sẽ điều chỉnh ra sao? Hoặc quy định về thời gian làm việc thực tế của người lao động làm việc trực tuyến được thực hiện như thế nào?”. Từ đó, đại biểu Phước cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ quan tâm đưa việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phù hợp với các hình thái lao động mới vào chương trình hành động và nghiên cứu thời gian tới.

Hoàng Phúc