A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đèn xi nhan – Hãy sử dụng đúng cách

 

Thói quen “quên” bật hoặc tắt đèn xin nhan không những vô tình làm người điểu khiển tham gia giao thông vi phạm về an toàn giao thông mà còn dẫn đến va chạm và gây ra tai nạn giao thông, một thói quen xấu không được sửa đổi sẽ gây ra hậu quả vô cùng đáng tiếc xảy ra.

Văn hóa bật, tắt đèn xi nhan khi tham gia giao thông không phải là câu chuyện mới và xa lạ với những người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Bản thân mỗi chúng ta không ít lần quên mất chức năng đáng lưu ý của đèn xi nhan hoặc vô ý không quan sát tín hiệu xi nhan xin đường của chủ phương tiện đang điều khiển xung quanh chúng ta. Không bật tín hiệu đèn xi nhan lại là hành vi có khả năng gây ra va chạm giao thông rất lớn bởi cùng tuyến đường lưu thông, nhưng người đang tham gia lưu thông trên đường không thể phối hợp ăn ý do tín hiệu đèn sai hoặc không bật tín hiệu đèn xi nhan.

Hãy tắt, bật đèn xi nhan đúng cách và là người điều khiển giao thông có văn minh

Thực tế cho thấy: Không ít phương tiện tham gia giao thông đang lưu thông trên đường mà chủ phương tiện lại cua gấp khiến người xung quanh không kịp nhường đường, hay có những trường hợp chạy thẳng mà vẫn bật xi nhan khiến những người tham gia giao thông trên cùng tuyến đường rất “khó chịu”. Chưa hết, còn có nhiều trường hợp có người xi nhan bên phải nhưng lại rẽ bên trái. Thiết nghĩ, trường hợp này nếu không sao thì may mắn, còn nếu xảy ra tai nạn giao thông thì không biết đổ lỗi cho ai bây giờ. Như tin tức đã đưa vào năm 2016, từng có một vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng giữa ô tô đầu kéo rơ mooc với xe máy khiến 1 người tử vong tại chỗ, nạn nhân tên Trương Văn Út (SN 1985, ngụ tại TP Vị Thanh – Hậu Giang) điều khiển xe máy từ đường nhánh ra đường chính không chú ý quan sát, chuyển hướng, không đảm bảo an toàn (Không bật xi nhan đèn) nên bị xe ô tô đang di chuyển trên QL 22 không kịp trở tay cán qua người gây tử vong tại chỗ. Đó chỉ là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng điển hình mà báo chí đã nhắc đến và đưa tin, chưa kể các vụ tai nạn, va chạm khác xảy ra thường ngày từ nhẹ cho đến nặng rồi dẫn đến đôi bên xô xát, ẩu đã, đổ lỗi cho nhau và cự cãi có khi lại còn xích mích đánh nhau trên đường.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ sẽ bị xử phạt từ 300.000 VNĐ đến 400.000 VNĐ đối với xe mô tô và xe gắn máy. Nếu hành xi nêu trên gây ra tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Đối với ô tô thì mức phạt sẽ từ 600.000 VNĐ đến 800.000 VNĐ đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp Điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ, nơi đường không giao nhau cùng mức), thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

Không bật tín hiệu đèn xi nhan lại là hành vi có khả năng gây ra va chạm giao thông rất lớn trên đường phố

Như vậy mức xử phạt đối với hành vi không bật đèn xi nhan khi muốn chuyển hướng khá “nghiêm minh” nhưng tại sao vẫn có rất nhiều người khi tham gia giao thông lại coi thường đến hành vi vi phạm giao thông này. Có lẽ rằng, hành vi “quên” tắt bật đèn xi nhan chưa được nhận thức thật sự đúng đắn về vai trò của nó trong tham gia giao thông có thể là do nguyên nhân như sự vô ý thức, bất cẩn hay là chính người tham gia giao thông coi thường đến tính mạng của bản thân và người khác. Hành vi này không những gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân họ mà vô hình dung còn làm “vạ lây” đến những người xung quanh, bởi khi gặp xe phía trước chuyển hướng đột ngột, không đèn xi nhan, người đi phía sau phải nhanh chóng phanh thắng gấp hoặc theo quán tính sẽ đánh vội tay lái để né có thể dẫn đến va chạm, ngã xe và tai nạn giao thông. Vì vậy, mọi người cần nâng cao ý thức hơn trong việc bật tắt tín hiệu đèn để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho những người xung quanh.

Bên cạnh vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân từ báo đài và các phương tiện truyền thông thì cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh, tăng cường xử lý vi phạm để cảnh cáo, răn đe người tham gia giao thông ý thức được sự nguy hiểm từ việc chuyển hướng không dùng tín hiệu hoặc dùng sai tín hiệu. Ngoài ra, trong quá trình tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn cho mình và những người khác trên đường và tạo thuận lợi cho việc lưu thông, người tham gia giao thông cần bật xi nhan trong các trường hợp sau:

1- Khi đi qua vòng xuyến, thực hiện bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái ra phải”. Tức khi vào vòng xoay, bật xi nhan trái, khi ra hết khỏi vòng xoay, chuyển hướng, bật xi nhan phải.

2- Khi đi theo đường cong: Có một số đoạn đường không phải ngã rẽ, chuyển hướng chuyển làn mà là đoạn đường cong, người điều khiển phương tiện giao thông nên bật xi nhan, báo rẽ theo hướng vòng cong.

3- Khi đi qua ngã ba hình chữ y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì xi nhan như bình thường. Nếu là đường thẳng theo nhánh từ chân chữ y đi lên thì không cần xi nhan.

4- Khi lùi vào ngõ, đường cong: cần bật xi nhan, tạo thuận lợi khi lưu thông.

Hành vi đơn giản nhưng cần được ý thức lớn để kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất có thể là góp phần giúp xã hội ngày càng văn minh hơn. Hãy tham gia giao thông bằng cả trái tim.


Quang Thành