A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bật đèn pha trong nội thành-Hành động nhỏ, nguy hiểm lớn

 

Đối với các phương tiện giao thông, đèn là bộ phận quan trọng không thể thiếu, nhất là khi đi trong trời tối. Tuy nhiên, sử dụng đèn như thế nào là hợp lý và không gây nguy hiểm cho những người xung quanh còn là vấn đề mà không phải ai cũng chú ý.

Theo thiết kế của ô tô và xe máy, hệ thống đèn chiếu trước có hai chế độ là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos (đèn chiếu gần). Về nguyên tắc, đèn cos có vai trò giúp lái xe quan sát mặt đường, dễ dàng tránh né vật cản, ổ gà… Nhưng vì tầm chiếu khá gần khiến người điều khiển xe nhìn đường được ít hơn nên nếu phương tiện di chuyển với tốc độ cao, nhất là đường cao tốc là rất nguy hiểm. Đèn pha là đèn chiếu xa, có thể chiếu sáng ở tầm cao, không đơn thuần soi sáng giúp chúng ta di chuyển khi trời tối mà còn cực kỳ hữu ích trong những chuyến đường trường, đường cao tốc hoặc khi đi ở tốc độ nhanh bởi đèn pha tạo tầm nhìn xa tốt hơn cho người lái. Ngoài ra, trong một vài tình huống như ra tín hiệu cho xe khác hoặc phản quang phát sáng đèn giao thông, đèn pha giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình lưu thông.

Bật đèn pha trong nội thành vào ban đêm là rất nguy hiểm

Thực tế cho thấy, người điều khiển phương tiện giao thông còn khá mập mờ trong việc sử dụng đèn pha hay đèn cos. Họ không biết tác dụng của từng loại đèn là gì, khác nhau như thế nào và sử dụng hai loại đèn này trong những trường hợp nào. Vì vậy, miễn khi đi dưới trời tối, dù là trong khu vực nội thành, họ cũng bật đèn pha mà không quan tâm đến sự nguy hiểm từ chính hành vi của mình. Bởi lẽ, việc sử dụng đèn pha trong nội thành không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn gây phiền toái cho những người cùng lưu thông xung quanh.

Khi đi trong nội thành, đèn pha là mối cản trở cho những người đang tham gia giao thông đi phía ngược chiều và cả những lái xe đi cùng chiều vì ánh sáng của đèn pha có cường độ mạnh và góc chiếu cao. Điều này làm những người lái xe đi tới từ phía ngược chiều khi bị rọi đèn sẽ bị lóa mắt và không thể quan sát tình hình giao thông cũng như những vật cản hay chướng ngại vật phía trước để phản xạ kịp thời. Không những vậy, việc sử dụng đèn pha tùy tiện còn gây bức xúc, khó chịu đối với những người xung quanh. Nhiều trường hợp chỉ vì ánh đèn vô tình của người điều khiển đã dẫn đến nhiều vụ ẩu đả không đáng có. Thực tế cho thấy có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra xuất phát từ hành vi sử dụng đèn pha không đúng cách.

Trên thực tế, khi tham gia giao thông trong khu vực đô thị, đèn cao áp và lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều nên hoàn toàn đủ sáng để quan sát phía trước và không nhất thiết phải sử dụng đèn pha. Đối với đường trường, ngoài khu vực đông dân cư, có thể sử dụng đèn pha nhưng cần linh hoạt chuyển sang đèn cos khi có người đi ngược chiều để đảm bảo an toàn giao thông.

Để nâng cao ý thức và giảm thiểu những sự cố đáng tiếc trong quá trình tham gia giao thông, pháp luật nước ta đã đưa ra nhiều quy định xử phạt nghiêm ngặt đối với lỗi vi phạm này. Tại khoản 12, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định: “…Nghiêm cấm trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau sử dụng đèn chiếu xa trong khu vực đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này”. Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô,Khoản 3, Điều 5 Nghị định 46/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: “…Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển sử dụng đèn chiếu xa để tránh xe đi ngược chiều, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, Khoản 6 điều này”. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 46/NĐ-CP quy định: “…Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định”. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 46/NĐ-CP quy định: “…Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều’. Ngoài ra, nếu để xảy ra tai nạn, người tham giao thông có thể bị thu bằng hoặc bị xử lý hình sự tùy mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Mặc dù pháp luật đã có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi sử dụng đèn pha tùy tiện song trong thực tế việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, ý thức và sự hiểu biết của người dân vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Không bật đèn pha khi di chuyển trong khu vực nội thành, khu đô thị đông đúc; không bật đèn pha khi trời mưa, sương mù dày đặc, khi đi ngược chiều, vượt xe khác và khi cua hoặc lên xuống dốc. Hãy là người tham gia giao thông văn minh, lịch sự bởi đó chính là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.


Khánh Vi