A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum

 

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn biến phức tạp (chiếm 52,9% tổng số các vụ TNGT); nguyên nhân cơ bản chủ yếu thuộc về ý thức chấp hành pháp luật giao thông của đại bộ phận người đồng bào DTTS.

Kon Tum là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài và tiếp giáp Lào, Campuchia với 28 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, DTTS chiếm hơn 55% dân số toàn tỉnh. Đa số, đồng bào DTTS thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa; trình độ dân trí còn thấp. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống giao thông vận tải được nâng cấp, mạng lưới giao thông được trải dài đến các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện cho người dân giao thương, đi lại, phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, năm 2016, 2017 và 06 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 174 vụ TNGT, trong đó số vụ TNGT liên quan đến người đồng bào DTTS là 92 vụ (chiếm 52,9%) làm chết 80 người, 69 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ TNGT liên quan đến người đồng bào DTTS được xác định chủ yếu thuộc về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, đi sai phần đường, làn đường…; đối tượng bị TNGT chủ yếu là nam giới trong độ tuổi từ 18 – 55 tuổi.

Description: F:tai nan chet nguyen thi thuyDSC_0003.JPG

Hiện trường một vụ TNGT liên quan đến người đồng bào DTTS

Mặt khác, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều trường hợp người đồng bào DTTS thu mua, sử dụng các phương tiện giao thông đã hết niên hạn, cũ nát để đi rẫy, vận chuyển nông sản, lâm sản ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn ráp gianh đã gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với đặc điểm văn hóa của người Tây Nguyên có nhiều lễ hội và thường diễn ra trong nhiều ngày như Lễ Tết, Lễ cưới, Lễ đâm trâu, Lễ dựng nhà mới…. Điều đặc biệt nguy hiểm, sau khi sử dụng rượu, bia, họ điều khiển phương tiện giao thông với tốc độ cao.

Để giảm thiểu TNGT liên quan đến đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đến đại bộ phận dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với nhiều nội dung và hình thức phong phú (xây dựng các tin, bài; chiếu phóng sự; treo băng rôn, pa nô, áp phích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu…) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm nhất là vào các dịp lễ, tết, cuối tuần tập trung vào các lỗi như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm… Ngoài ra, cần tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe hết niên hạn, xe độ chế tham gia giao thông.


Thái Ngân