A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thời gian vàng” trong công tác chữa cháy

Bất kỳ vụ cháy lớn nào cũng đều xuất phát từ một đám cháy nhỏ. Vì vậy, nếu ngay khi sự cháy vừa mới phát sinh mà được phát hiện, xử lý kịp thời và đúng phương pháp thì ngọn lửa không có thời gian phát triển và thiệt hại để lại cũng không đáng kể.

Đối với công tác chữa cháy, giai đoạn ban đầu được xem là “khoảng thời gian vàng”. Bởi vì lúc này, ngọn lửa chưa phát triển và phạm vi cháy chưa lớn nên việc chữa cháy của lực lượng tại chỗ dễ dàng đạt hiệu quả cao.

Điều lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) quy định: Khi có chuông báo cháy thì chỉ trong vòng 01 phút, đơn vị phải xuất quân ra khỏi doanh trại để có thể đến hiện trường một cách nhanh nhất, tổ chức chữa cháy và dập tắt đám cháy kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nguyên nhân gây ra các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng chủ yếu do các nguyên nhân do chập điện, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Ngoài ra thời gian báo cháy chậm trễ cũng là nguyên nhân khiến đám cháy phát triển mạnh, ngoài tầm kiểm soát.

Điển hình như một vụ cháy lớn xảy ra vào lúc 20h00 ngày 13/02/2018 tại tiệm điện nước Mỹ Dung (thuộc thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), do chủ nhà không có ở trong nhà khi xảy ra cháy, đến khi ngọn lửa lớn và khói tỏa ra nhiều người dân xung quanh mới báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đám cháy đã thiêu rụi 03 gian nhà liền kề, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Lực lượng PCCC đang triển khai các hoạt động chữa cháy và chống cháy lan

Báo cháy chậm là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến hầu hết vụ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, người dân không nên lãng phí “khoảng thời gian vàng” trong công tác chữa cháy. Ngay khi phát hiện ra cháy, song song với nỗ lực tổ chức cứu chữa ban đầu, người dân và lực lượng PCCC cơ sở phải đồng thời thông tin báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại khẩn cấp 114 để được hỗ trợ kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

Việc phát hiện cháy sớm giữ vai trò quan trọng giúp con người có được sự chủ động nhất định trong công tác tổ chức chữa cháy. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ cháy xảy ra ban đêm bởi ban đêm là khoảng thời gian nghỉ ngơi của mỗi người nên chỉ khi đám cháy phát triển lớn và thiệt hại nghiêm trọng mới được người dân phát hiện; phát hiện cháy chậm nên việc xử lý đám cháy giai đoạn này hết sức khó khăn đối với lực lượng PCCC cơ sở và người dân.

Do vậy, việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về PCCC và CNCH cùng sự chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời và dập tắt đám cháy khi đám cháy chưa phát triển lớn chính là giải pháp hữu hiệu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác trực bảo vệ tại cơ sở vào ban đêm để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống cháy, nổ ngay khi vừa mới phát sinh, tránh để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đối với các hộ dân, vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người dân cần kiểm tra lại hệ thống điện, khu vực đun nấu, thờ cúng và các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt khác trong gia đình; đồng thời, cũng phải chú ý đến giải pháp thoát nạn khi không may xảy ra cháy, nổ và gọi 114 ngay khi phát hiện cháy, nổ, tai nạn sự cố.

Nguyễn Học (Phòng CS PCCC và CNCH)