A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an, trong 05 năm gần đây xảy ra hơn 15.000 vụ cháy, trong đó hơn 50% số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống của Nhân dân.

Điển hình, vào ngày 17/9/2018 xảy ra vụ cháy tại một căn nhà nằm trong khu xóm trọ với hơn 150 phòng gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) đã thiêu rụi gần 30 căn nhà, làm 02 người thiệt mạng, tài sản thiệt hại ước tính 500 triệu đồng.

Hình ảnh vụ cháy xảy ra ngày 17/9/2018 tại phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội (nguồn internet)

Hay vụ cháy ngày 10/5/2019 xảy ra tại ngôi nhà số 29, tổ 14, làng Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã khiến 01 người tử vong.

Hình ảnh vụ cháy xảy ra ngày 10/5/2019 xảy ra tại ngôi nhà số 29, tổ 14, làng Trạm, phường Long Biên (nguồn internet)

Thực trạng hiện nay có thể thấy phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng ở khu vực xung quanh chợ, tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, nhà nghỉ, nhà trọ, diện tích nhỏ, hẹp. Nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau không có khoảng cách ngăn cháy lan; không có lối thoát nạn dự phòng; dẫn đến khi có cháy xảy ra, ngoài gây thiệt hại lớn về tài sản, còn thiệt hại nghiêm trọng về người do không thể thoát nạn được.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì hàng hóa, dụng cụ sản xuất bố trí cản trở lối thoát nạn; sử dụng điện, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt chưa đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC); lắp đặt biển quảng cáo, mái che gây khó khăn cho quá trình thoát nạn, tiếp cận để chữa cháy; chưa trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay hoặc trang bị nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng dẫn đến mất tác dụng; người lao động, làm việc chưa thông thạo cách sử dụng, vận hành các phương tiện PCCC, chưa nắm được các kiến thức cơ bản về PCCC.

Để đảm bảo an toàn PCCC, phòng ngừa cháy, nổ, sự cố xảy ra trong khu dân cư, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ CNCH cho người dân, để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC; xây dựng phong trào toàn dân PCCC; thành lập, tổ chức thường trực và trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH cho lực lượng dân phòng; kiểm tra an toàn PCCC trong khu dân cư, đặc biệt là các điều kiện giao thông, nguồn nước chữa cháy, khoảng cách chống cháy lan, không để các hộ kinh doanh, nhà ở trong khu dân cư tự ý cơi nới, mở rộng gây cản trở đường vào xe chữa cháy (nhất là đối với các cơ sở sử dụng mái che, lắp biển hiệu, biển quảng cáo…), che khuất các trụ nước chữa cháy hoặc bố trí vật dụng cản trở việc lấy nước chữa cháy, kịp thời phát hiện các khu vực mất an toàn PCCC để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trong công tác PCCC: Cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn PCCC; sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện đúng quy định, không tự ý câu mắc, dùng nhiều thiết bị điện có công suất lớn gây quá tải, lắp đặt aptomat, cầu chì bảo vệ; không bố trí vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, khu vực thờ cúng; không tồn trữ các chất cháy nổ gây nguy hiểm trong gia đình; trang bị các phương tiện chữa cháy, CNCH như bình chữa cháy xách tay, khẩu trang lọc độc, đèn pin, các dụng cụ phá dỡ như búa, xà beng, các dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu…

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC và CNCH)