A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) là một trong những công tác vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo an toàn PCCC-CNCH càng trở nên cấp thiết và khẩn trương.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. Từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023, toàn quốc xảy ra hơn 1.900 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 315 tỷ đồng và 306 ha rừng. Trong đó, đã xảy ra 93 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, với 814 vụ (chiếm tỷ lệ 42%). Qua điều tra, đã làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, phần lớn là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (tỷ lệ 62,6%).

Hiện trường vụ cháy tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (ngày 26/10/2023) (nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC-CNCH, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng để thúc đẩy công tác này. Trong đó có Chỉ thị số 47 ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Nghị quyết số 99 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Kết luận số 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47; Chỉ thị số 01 ngày 3/1/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Các văn bản chỉ đạo này đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; nâng cao ý thức phòng ngừa và kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ của người dân; rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với thực tiễn; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH lớn mạnh theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; phát huy sức mạnh toàn dân tham gia công tác PCCC-CNCH.

Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện các chỉ đạo này một cách tích cực và hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được quan tâm sát sao; sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân làm cho diện mạo công tác PCCC-CNCH có nhiều thay đổi tích cực; ý thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC-CNCH của người đứng đầu, người quản lý lao động, người lao động và người dân được nâng cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống “giặc lửa” qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, công tác PCCC-CNCH vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Thực trạng cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh… một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức phòng ngừa của một bộ phận người dân và doanh nghiệp còn yếu kém; việc tuân thủ các quy định về PCCC-CNCH còn bất cập; việc quản lý nhà nước về PCCC-CNCH ở một số địa phương và lĩnh vực còn sơ hở; việc xây dựng và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC-CNCH còn chậm trễ; trang bị thiết bị và phương tiện PCCC-CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH và Nhân dân còn thiếu thốn…

Trước tình hình đó, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, triển khai thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC-CNCH. Trọng tâm là Chỉ thị số 47 ngày 25/6/2015 và Kết luận số 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Chỉ thị số 01/ ngày 3/1/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tối đa xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Bảo đảm an toàn sản xuất và bình yên cuộc sống của Nhân dân.

Công tác PCCC-CNCH là công tác của cả xã hội, cần sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn ngừa và đối phó hiệu quả với các nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản của đất nước; góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và phát triển.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan