A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), trong thời gian từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020, trên cả nước đã xảy ra 1.490 vụ cháy (trong đó có 27 vụ cháy lớn), 19 vụ nổ và 160 vụ cháy rừng làm 48 người chết, 111 người bị thương, thiệt hại ước tính 336,65 tỷ đồng và thiêu rụi 756ha rừng.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thực hiện hàng trăm vụ CNCH trong đám cháy và trực tiếp tố chức CNCH 521 vụ do sự cố, tai nạn; tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người, trực tiếp cứu được 256 người, tìm được 200 thi thể người bị nạn.

https://congankontum.gov.vn/wp-content/uploads/2019/07/word-image-62.jpeg

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ

Điển hình, Chiều ngày 21/5/2020 đã xảy ra vụ cháy phòng ngủ tại nhà anh Nguyễn Chính Duẩn (37 tuổi, trú tại thôn Hòa Hợp, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Vụ cháy đã khiến vợ chồng anh và 02 con bị bỏng rất nặng. Mặc dù được các bác sĩ ở Viện bỏng quốc gia nỗ lực cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng nên anh Duẩn và con gái 09 tháng tuổi đã không qua khỏi.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế càng phát triển thì tình hình cháy, nổ càng diễn biến phức tạp. Hiện nay, với sự phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Kon Tum, đang xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu kinh tế tập trung với quy mô ngày càng lớn, dây truyền công nghệ ngày càng hiện đại, khối lượng hàng hóa, vật tư của các cơ sở tập trung ngày càng nhiều. Tính chất cháy, nổ của nhiều thiết bị, dây truyền công nghệ, vật liệu mới cũng phức tạp và nguy hiểm hơn trước.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu dân cư, tổ hợp nhà cao tầng được xây dựng, nhiều loại vật liệu dễ cháy được sử dụng để xây dựng các công trình này. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nhất là cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng ngày càng gia tăng. Cháy, nổ xảy ra đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề trong thời gian vừa qua. Không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà đặc biệt hơn là thiệt hại về người, gây hoang mang lo lắng trong toàn xã hội. Vì vậy, mỗi người dân cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH và trang bị cho mình các kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra để bảo vệ an toàn cho mình và cộng đồng.

Dưới đây là các khuyến cáo của tác giả và hướng dẫn một số kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
* Những điểm lưu ý khi thoát nạn:

– Không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà;

– Không tìm hiểu đám cháy;

– Bò trên sàn nhà nếu có khói vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, vì thế để mũi càng thấp càng tốt; hãy nhớ khói rất độc và có thể giết bạn;

– Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh;

– Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu nạn;

– Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể;

– Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có khói, vì thế bạn cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu bạn sống trong chung cư, bạn cũng cần phải biết cách tốt nhất đến cầu thang hay các lối thoát hiểm khác.

* Các biện pháp an toàn khi thoát nạn:

– Kiểm tra xem có lửa hay khói vào nhà qua các khe trên cửa hay không;

– Nếu nhìn thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa thì không được mở cửa;

– Nếu không nhìn thấy khói, hãy đặt mu bàn tay vào cánh cửa. Nếu cánh cửa nóng hay rất ấm, không được mở cửa;

– Nếu không nhìn thấy khói và cánh cửa không nóng, dùng mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa. Nếu quả đấm cửa nóng hoặc rất ấm, không mở cửa;

– Nếu quả đấm cửa mát, và bạn không nhìn thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận. Khi mở cửa, nếu bạn thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo chắc chẳn rằng nó đã được đóng chặt;

– Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm của bạn;

– Nếu bạn thấy có khói trong nhà, hãy giữ cơ thể mình ở vị trí thấp gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể bạn ở gần sát nền nhà. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm, ở vị trí thấp có nghĩa bạn bò dưới khói. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói;

– Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên của bạn, nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối chạy thoát được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa, hay từ người khác;

– Lo lắng cho thú cưng hay đồ chơi yêu thích là bình thường, nhưng khi có cháy, bạn phải bỏ chúng lại. Điều quan trọng nhất là bạn phải ra được ngoài an toàn. Bạn cũng cần nhớ rằng bạn không nên ở lại trong nhà lâu hơn thời gian bạn bắt buộc phải ở trong đó, cho dù là để gọi xe cứu hỏa. Rất có thể đã có người gọi ở bên ngoài rồi. Khi đã ra ngoài rồi, đừng quay lại để lấy bất cứ thứ gì;

– Nếu quần áo của bạn bị cháy:

+ Đừng chạy vòng quanh, bạn sẽ chỉ quạt cho ngọn lửa và làm chúng cháy nhanh hơn thôi;

+ Nằm xuống, việc này giúp lửa khó lan ra hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu bạn (lửa cháy từ dưới lên trên);

+ Dập lửa, bao trùm ngọn lửa bằng vật liệu nặng, như áo khoác hay chăn, việc này giúp phá vỡ nguồn cung cấp oxi cho lửa;

+ Lăn vòng quanh để giúp dập lửa;

– Nếu không thể ra ngoài ngay lập tức:

+ Nếu bạn ở tầng trệt, ra ngoài bằng cửa sổ: Ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ bạn;

+ Nếu bạn không thể mở cửa sổ, hãy dùng một vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối, khi chạm vào các mép sắc cần dùng vải, khăn mặt hay chăn;

+ Hạ trẻ xuống càng thấp càng tốt trước khi thả bé xuống để người lớn đỡ trẻ nếu có thể;

+ Hạ thấp cơ thể bạn bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả mình xuống;

– Nếu không thể ra ngoài hãy tập hợp mọi người vào một phòng:

+ Chọn một phòng có cửa sổ nếu có thể.

+ Hãy ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo nhúng ướt nước hoặc băng dính;

+ Nếu trong phòng có cửa sổ nhưng không giúp bạn thoát ra được, hãy mở nó ra và đứng trước cửa sổ để hít thở và gọi giúp đỡ;

+ Nếu bạn có thể lấy được một mảnh quần áo hay khăn mặt, hãy đặt nó trên miệng để không hít khói vào. Tốt hơn nếu bạn nhúng ướt miếng vải trước khi che lên miệng;

+ Ngay từ bây giờ, hãy nghĩ xem phòng nào là tốt nhất, bạn cần một cửa sổ có thể mở được, và nếu có thể, một chiếc điện thoại để gọi cấp cứu;

+ Dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ. Vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm bạn để giải thoát cho bạn. Họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra được ngoài càng nhanh.

Lưu ý:

– Không sử dụng thang máy, thang cuốn để thoát nạn;

– Không nhảy trừ khi có sự hướng dẫn của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp;

– Nếu quay lại nhà bị cháy, bạn sẽ làm cho những nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm;

– Sau khi thoát nạn báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp về số lượng, vị trí người còn mắc kẹt trong đám cháy;

– Để đảm bảo thoát nạn trong đám cháy hiệu quả phải thật bình tĩnh, trang bị các kiến thức về thoát nạn trong đám cháy. Tại khu vực sinh sống làm việc thường xuyên kiểm tra các điều kiện thoát nạn, kiểm tra các đường thoát nạn. Khi đến các khu vực không biết rõ cần chú ý có bao nhiêu lối thoát hiểm? Vị trí các lối thoát hiểm? Làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó? (Lối thoát hiểm thường được chỉ dẫn bằng đèn “EXIT” trên các hành lang, cầu thang bộ thường có các biển chỉ dẫn thoát nạn).

Trần Minh