A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lực lượng dân phòng có vai trò nòng cốt trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), có chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ và tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại địa phương, phối hợp thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, nhiều thành viên Đội Dân phòng đã được tham gia huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chế độ chính sách cho lực lượng Dân phòng.

Qua đó, lực lượng Dân phòng đã thể hiện được vai trò trong các mặt công tác PCCC, kịp thời tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành nội quy, quy định về PCCC; phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Giúp Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại cơ sở. Phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an huyện, thành phố tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Dân phòng; xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra, tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.

Description: C:\Users\Administrator\Desktop\28-86.jpg

Hình ảnh Đội Dân phòng (nguồn: internet)

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nhiều tồn tại, thiếu sót, cụ thể: Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thành lập được 102 đội Dân phòng với 856 thành viên (theo Báo cáo của Công an tỉnh Kon Tum về kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng Dân phòng) chỉ chiếm khoảng 10% theo quy định của Luật PCCC, nhiều Đội Dân phòng chỉ mang tính hình thức, chưa được trang bị phương tiện PCCC và CNCH dẫn đến việc tổ chức chữa cháy, CNCH khi có cháy, nổ, xảy ra còn lúng túng, kém hiệu quả. Công tác quản lý của một số Ủy ban nhân dân cấp xã chưa hiệu quả, chưa nắm nắm chắc tính hình, thực trạng của các Đội Dân phòng đã thành lập, công tác huy động lực lượng Dân phòng tham gia chữa cháy, CNCH nhiều lúc chưa kịp thời.

Ngoài ra, còn tồn tại một số đội Dân phòng được thành lập còn chưa làm tốt công tác tham mưu, chưa chủ động triển khai thực hiện các chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác PCCC; chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, việc tổ chức tuyên truyền chỉ tiếp cận đến những tầng lớp quần chúng ở đô thị và những cơ quan, tổ chức, cơ sở từ cấp huyện trở lên, còn vùng sâu vùng, vùng xa chưa được chú trọng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ địa bàn Kon Tum là tỉnh miền núi, mật độ dân cư thấp, các địa bàn vùng sâu, vùng xa chủ yếu là người đồng bào, dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất khó khăn nên việc triển khai thành lập Đội Dân phòng còn mang tính hình thức; các vụ cháy trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, thiệt hại không đáng kể và đã được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp xử lý kịp thời dẫn đến các đội Dân phòng đã thành lập không thường xuyên hoạt động; Chế độ chính sách cho lực lượng Dân phòng chưa cụ thể, còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như PCCC rừng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ; Công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng Dân phòng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Dân phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời gian tới cần thực hiện hiệu quả các nội dung sau:

Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với lực lượng Dân phòng trong hoạt động PCCC ở địa bàn, cơ sở. Tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển hoạt động của lực lượng Dân phòng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng; thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong công tác PCCC và CNCH.

Hai là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, kỹ năng về PCCC cho lực lượng Dân phòng. Xây dựng và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, CNCH tại địa bàn cơ sở có lực lượng Dân phòng tham gia.

Ba là, Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và đảm bảo chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên lực lượng Dân phòng tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC.

Bốn là, Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong công tác xây dựng lực lượng Dân phòng; qua đó đưa ra những định hướng xây dựng, phát triển lực lượng Dân phòng đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới.

Năm là, Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tham mưu các Bộ, Ngành về quy định thành lập Đội Dân phòng để phù hợp với tình hình địa phương, hoạt động hiệu quả; tăng cường nhiệm vụ PCCC đối với các lực lượng tại chỗ như PCCC rừng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, Công an xã cho phù hợp.

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC và CNCH)