A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tai nạn, thương tích ở trẻ em

Thời gian qua, các vụ tai nạn thương tâm ở trẻ em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn hiện nay.

Các vụ việc điển hình xảy ra đối với trẻ em trong thời gian gần đây như: Ngày 25/12/2022, xảy ra vụ nổ do tự chế pháo tại huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk làm 02 trẻ em tử vong (cháu B.G.T 11 tuổi và cháu N.Đ.B 12 tuổi) và 02 trẻ em bị thương; ngày 31/12/2022, xảy ra vụ việc bé trai 10 tuổi tử vong do bị rơi xuống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Vụ việc bé trai rơi xuống trụ bê tông tại Đồng Tháp (Ảnh:tienphong.vn)

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, tại Việt Nam mỗi năm trung bình có 6.600 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 31 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó tai nạn đuối nước 29 em, tai nạn khác 02 em (do điện giật và do đất lùi lấp).

Thực tế cho thấy, vấn đề tai nạn thương tích trẻ em xảy ra khó lường, đặc biệt với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa, làm công nhân... Nhất là vào thời điểm nghỉ hè, trẻ em hay tụ tập chơi ở những khu vực ven ao, hồ, công trình đang xây dựng mà ít có sự trông coi, giám sát của người lớn hoặc tò mò nghịch những trò chơi, vật dụng nguy hiểm. Một số gia đình chưa thực sự quan tâm, giáo dục nhận thức cho trẻ đối với những tình huống nguy hiểm, do vậy trẻ không nhận biết được những nguy cơ đang rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như nổ hóa chất, tai nạn đuối nước, tai nạn hố sâu.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn cơ bản để bảo vệ trẻ em

Để hạn chế những tình huống có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ em, phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp phòng tránh như sau:

Một là, phụ huynh cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn cho trẻ, cần quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi.

Hai là, phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đối với các tình huống tai nạn phổ biến như:

Đối với tai nạn rơi ngã, cần lắp đặt các tấm chắn cửa sổ, cửa cầu thang, ban công để bảo vệ trẻ; đối với tai nạn bỏng, nước sôi, cần giám sát trẻ liên tục, không cho trẻ tới gần khu vực nấu ăn và để các thức ăn vừa nấu chín, nước canh, nước sôi xa tầm với của trẻ; đối với tai nạn điện giật, luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch, hệ thống điện trong lớp phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.

Đối với tai nạn đuối nước: Trẻ em cần được rèn luyện thể lực và biết bơi; khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn; không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình; tại vùng hay xảy ra lũ lụt, học sinh đi học qua sông suối phải được người lớn đưa và đảm bảo các điều kiện an toàn; phải mặc áo phao bảo hộ khi đi đò, thuyền,…

Đối với khu vực hố, giếng sâu: đối với giếng đang sử dụng, cần phải xây thành giếng cao, chắc chắn, che đậy cẩn thận, tránh trường hợp có thể rơi xuống; đối với các giếng không dùng đến hoặc các hố sâu, thì cần có rào chắn, che đậy cẩn thận để ngăn không cho trẻ em có thể vào khu vực nguy hiểm và nên có biển báo để người lớn lưu ý không tiếp cận hoặc nhắc nhở trẻ em không tiếp cận khu vực này.

Ba là, đối với những trẻ bắt đầu hình thành nhận thức, phụ huynh cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, thường xuyên cảnh báo trẻ tuyệt đối không sử dụng đối với những vật dụng nguy hiểm, trò chơi mạo hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng như: vật liệu dễ gây nổ, cháy, pháo hoa, pháo đốt, vật sắc nhọn,…

Cuối cùng, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.

Vì tương lai tốt đẹp của trẻ em, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, quan tâm, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

 


Tác giả: Vũ Linh
Tin liên quan