A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác giáo dục, cải tạo bảo đảm quyền lợi của phạm nhân

         Trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam đã tổ chức mở hơn 500 lớp giáo dục công dân cho hơn 15.000 lượt phạm nhân mới đến chấp hành án; hơn 200 lớp cho 35.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án; hơn 300 lớp cho hơn 12.900 lượt phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.

       Trong những năm qua, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân luôn được lực lượng Công an các cấp chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm quyền của phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù; qua đó, giúp phạm nhân biết ăn năn, hối cải, nhận rõ tội lỗi, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống theo hướng tích cực và sớm trở thành người có tích cho xã hội, không tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.

        Nội dung công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân đã được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành với các hoạt động cụ thể: Giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống, dạy văn hóa mù chữ, phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, sinh hoạt, vui chơi, giải trí… Theo đó, trong những năm qua, công tác giáo dục pháp luật cho phạm nhân được thực hiện hiệu quả, tất cả phạm nhân được học tập pháp luật với các nội dung chủ yếu như: Nội quy cơ sở giam giữ; các tiêu chí thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; quy định về tội phạm, hình phạt trong Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, những nội dung cơ bản của Hiến pháp 2013, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Cư trú, Luật Giáo dục, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Giao thông đường bộ…

Với nội dung giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống, phạm nhân được giáo dục chuẩn mực đạo đức xã hội trong các mối quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và cộng đồng. Để các nội dung truyền tải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, ngoài các hình thức giáo dục truyền thống, các trại giam đã áp dụng hình thức phát động phạm nhân viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”; viết thư với chủ đề “Gửi xin lỗi” bị hại, thân nhân bị hại; Cuộc thi “Cảm nhận về sách” có liên hệ với quá trình cải tạo của bản thân; Hội thi “Giao tiếp ứng xử” trong phạm nhân để phát huy giá trị tốt đẹp, nhân văn trong giao tiếp, ứng xử của phạm nhân…

        Việc dạy văn hóa xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho phạm nhân được các trại giam thực hiện thường xuyên. Ngay từ khi phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, cán bộ tiến hành rà soát, phân loại, lập danh sách số chưa biết chữ, chưa được phổ cập tiểu học để tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Giáo viên của các trường tiểu học tham gia dạy văn hóa cho phạm nhân; Phòng Giáo dục và Đào tạo ở địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho phạm nhân đã học xong chương trình. Kiến thức văn hóa phổ thông là cơ sở quan trọng để phạm nhân tiếp thu nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, học nghề, truyền nghề và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Lớp học xóa mù chữ năm 2018 của Trại giam số 3 có 28 phạm nhân không biết chữ hoặc tái mù chữ tham gia

Lớp xóa mù chữ cho phạm nhân tại Trại giam số 3-Bộ Công an (Ảnh: HL)

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam trên toàn quốc đã tổ chức hơn 1.200 lớp phổ biến thời sự, chính trị cho hơn 762.600 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 130 lớp học văn hóa xóa mù chữ cho hơn 1.700 lượt phạm nhân, đã cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho hơn 140 phạm nhân; tổ chức hơn 880 lớp giáo dục pháp luật cho hơn 367.500 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 210 lớp về phòng, chống ma túy cho hơn 101.300 lượt phạm nhân.

Hằng ngày, ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, xem ti vi, nghe đài, đọc sách, báo. Trong các buồng giam đều được trang bị ti vi màu, tổ chức cho phạm nhân xem vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ tối theo quy định để phạm nhân có điều kiện được cập nhật thông tin chính trị, thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong mỗi khu giam đều có hệ thống truyền thanh và truyền hình cáp nội bộ, bảng tin để tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những việc làm sai với nội quy cơ sở giam giữ. Các trại giam đã có thư viện với nhiều đầu sách, báo, tạp chí mang nội dung về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, văn học, nghệ thuật, tôn giáo và tổ chức cho phạm nhân đọc trong các giờ nghỉ hằng ngày và thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết. Hằng năm, các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân để phát huy vai trò của thân nhân trong việc phối hợp giáo dục cải tạo con em họ.

Ấm áp “Hội nghị gia đình phạm nhân” năm 2022 -0

Thân nhân của phạm nhân tham quan nơi ăn, ở của phạm nhân tại Trạm giam Định Thành (Bộ Công an) trong "Hội nghị gia đình phạm nhân" (Ảnh: VĐ)

Bên cạnh công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của các trại giam, còn có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội, thân nhân phạm nhân như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...

Với kết quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đã đạt được, đa số phạm nhân đều đã nhận rõ tội lỗi đã gây ra, xác định rõ tư tưởng, yên tâm cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm bản án, không vi phạm nội quy giam giữ. Định kỳ hằng tháng, quý, phần lớn phạm nhân đều được xếp loại khá, tốt và được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội làm ăn lương thiện. 

Những kết quả trên cũng là luận cứ thực tiễn sắc bén phản bác luận điệu của các tổ chức phản động, trung tâm phá hoại tư tưởng nước ngoài xuyên tạc hoặc đưa ra nhận định sai lệch việc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trong thực hiện công tác giam giữ phạm nhân.


Tác giả: Khánh Vi