A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bảo đảm quyền con người trên địa bàn tỉnh Kon Tum

          Khẳng định vai trò của công tác đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhân quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị tại địa phương.

           Kon Tum là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn với số lượng người dân tộc thiểu số chiếm đa số. Yếu tố dân tộc và tôn giáo đan xen, cùng những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh dễ tạo cớ để các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo, xuyên tạc ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Do đó, việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp đảm bảo quyền con người luôn được chú trọng thực hiện với phương châm “giữ vững ổn định từ bên trong”, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

           Thực thi chính sách trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo

Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, chiếm hơn 59% dân số toàn tỉnh với 07 dân tộc tại chỗ gồm Xơ Đăng, Bana, Giarai, Giẻ-Triêng, Hrê, Rơ Măm. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 95,06% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10 dự án thành phần, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và hoàn thành tiến độ nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động rà soát, đánh giá, quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số; khuyến khích thực hiện tốt cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" theo Kết luận số 08-KL/TU ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tạo nguồn sinh kế, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, chất lượng, đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, kỹ năng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số; tiến hành điều tra khảo sát, thu thập tư liệu về truyền thuyết, giai thoại, điển tích gắn với quá trình hình thành và phát triển sản phẩm nghề truyền thống... Định kỳ hằng năm, rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách người có uy tín và thực hiện chính sách đối với người có uy tín; thăm hỏi, biểu dương hộ dân tộc thiểu số tiêu biểu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế giỏi, hộ gia đình hiếu học; khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó, trên địa bàn tỉnh hiện không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, nắm chắc dư luận, tâm tư, nguyện vọng và tăng cường hoạt động thiện nguyện xã hội trong vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống người dân. Phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Thăm, làm việc với chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Với phương châm đảm bảo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách, ban hành văn bản triển khai công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bám sát chỉ đạo của Trung ương, trọng tâm là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng sinh hoạt đúng quy định pháp luật, điều lệ của giáo hội; thường xuyên làm việc với các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo để trao đổi, hướng dẫn nội dung liên quan đến hoạt động tôn giáo; thăm, chúc mừng các tôn giáo nhân dịp lễ trọng; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, hành vi sai phạm về xây dựng tại một số cơ sở tôn giáo…, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, không xảy ra vấn đề phức tạp.

Đấu tranh hoạt động lợi dụng nhân quyền chống phá Đảng, Nhà nước

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh luôn nêu cao trách nhiệm phòng ngừa, chủ động phát hiện, tham mưu xử lý ổn định các vụ việc, vấn đề phức tạp nảy sinh, không tạo điều kiện để các đối tượng chống đối lợi dụng xuyên tạc vi phạm dân chủ, nhân quyền, nhất là các vấn đề xảy ra trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, tranh chấp, khiếu kiện. Kiểm soát tốt tình hình trên không gian mạng, gọi hỏi, răn đe hành vi đăng tải tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, phối hợp đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch bên ngoài.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhân quyền

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, trên cơ sở Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng tháng định hướng các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tuyên truyền quyền con người, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về nhân quyền; chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Nhân quyền thế giới (10/12) hằng năm; khai thác hiệu quả mạng xã hội và phương tiện truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền về nhân quyền. Ngày 11/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-UBND về Nội quy Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; theo đó, đã triển khai áp dụng cơ chế định hướng nội dung tuyên truyền về công tác nhân quyền trong các hội nghị giao ban công tác báo chí của tỉnh hằng tháng, tạo sự lan tỏa về kết quả công tác nhân quyền tại địa phương…

Trong tình hình mới, nỗ lực bảo đảm quyền con người là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đóng vai trò nòng cốt, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Khánh Vi