A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề biển, đảo trên không gian mạng

       Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Thế nhưng, song hành với việc Đảng và Nhà nước ta quyết tâm phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước Việt Nam thì các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, kích động, chống phá chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới, căng thẳng, phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định; sự phát triển, bùng nổ của thông tin trên internet, mạng xã hội (MXH), các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo luôn là “cái cớ” để các phần tử phản động, bất mãn lợi dụng nhằm bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, internet và các trang MXH đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, tạo hiệu ứng xã hội lan truyền nhanh chóng, rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng Việt Nam đã sử dụng vũ lực trái phép để chiếm đoạt các đảo và đá của Trường Sa, vốn thuộc Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng cũng ra sức xuyên tạc rằng “lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam quá nhu nhược, hèn yếu không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Trên mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”, “RFA”…  liên tục đăng tải các tin, bài viết đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: “Đảng, Nhà nước Việt Nam yếu hèn không dám sử dụng vũ lực”, “lãnh đạo Việt Nam vẫn im tiếng trong căng thẳng Bãi Tư Chính với Trung Quốc”, “Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách bịt miệng báo chí”,… để kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ. Lợi dụng những diễn biến phức tạp về tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là những hành vi ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc, các thế lực thù địch lập luận rằng: “Một quốc gia nhỏ yếu như Việt Nam sẽ không thể đứng vững nếu không tiến hành liên minh quân sự với một cường quốc bên ngoài, nhất là với Mỹ, một quốc gia có lợi ích đối lập với Trung Quốc, đang xem Trung Quốc là đối thủ số một, thậm chí như kẻ thù”. Từ đó, chúng lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để kích động người dân tạo nên các phong trào “bài Trung”, “thoát Trung” hay “thân Mỹ”, “liên minh quân sự”…với các nước lớn. Chúng còn đưa ra luận điệu “đòi” đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; cổ xúy, lôi kéo Việt Nam tham gia các liên minh quân sự với các nước 1 khác để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đáng Việt Nam không đánh nhau thì mất biển, mất đảo, thế nước lâm nguy; kêu gọi quân đội “đáp trả bằng vũ lực” với các hành động của các nước khác.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước… Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Các nguồn tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý, bản đồ của Việt Nam, tư liệu quốc tế cho thấy: Nhà nước Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với mần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã thế hiện sự tiếp nối, tính liên tục của lịch sử trong quản lý, thực thi chủ quyền và bảo vệ chủ quyền hợp pháp, chính đáng của Việt Nam đổi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cần phải khẳng định rằng, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp, bất đồng, khác biệt liên quan đến biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, pháp luật quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam thực hiện phương châm: Kiên quyết đấu tranh; kiên trì, khôn khéo; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; kiềm chế không nổ súng trước; không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo, không để xảy ra xung đột. Tránh xung đột về quân sự; tránh bị cô lập về kinh tế; tránh bị cô lập về ngoại giao; tránh bị lệ thuộc về chính trị. Giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung; giữ vững ốn định chính trị trong nước.

Điển hình như tại Điều 5 Luật Biển Việt Nam nêu rõ: “Phát huy sức manh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo”. Công hàm Việt Nam gửi Liên hợp quốc ngày 30-3-2020 cũng đã thể hiện lập trường nhất quán: Việt Nam phản đối mạnh mẽ các yêu sách và hành động vi phạm chủ quyển, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Công ước củan Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Đây là minh chứng thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Thực tiễn cũng đã chứng minh rằng, sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không xuất phát từ tham gia liên minh với một cường quốc mà là sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh của toàn dân, của ý chí tự cường dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được nuôi dưỡng, bồi đắp, trao truyền, nối tiếp trong mạch nguồn lịch sử. Với tấm lòng kiên trung “Đảo là nhà - biển cả là quê hương”, các chiến sĩ hải quân luôn luôn vững tay súng, vượt qua muôn vàn khó khăn để ổn định cuộc sống, hăng say học tập và rèn luyện, thường xuyên tuần tra canh gác để sẳn sàng ứng phó với mọi tình huống, hoàn thành nhiệm vụ được giao nơi đầu sóng ngọn gió. Dọc tuyến biển, các cấp chính quyền phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng động viên bà con ra khơi bám biển, đảm bảo phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những đội tàu đánh bắt xa bờ luôn phấp phới cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, ngư dân không hề nao núng, tích cực bám biển, phối hợp với các lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhận thức rõ vai trò của ngư dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã sớm đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của họ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là việc cho ngư dân vay vốn tín dụng để đóng tàu mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ hậu cần nghề cá… bước đầu đạt hiệu quả tích cực.

Cũng cần khẳng định rằng: Quan điểm “Việt Nam cần liên minh quân sự để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” là rất sai lầm, thiếu cơ sở, “lợi bất cập hại”, đi ngược lại đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng. Là một quốc gia có biển, phụ thuộc nhiều vào đường biển, nếu Việt Nam tiến hành liên minh quân sự với một cường quốc ngoài khu vực thì chắc chắn sẽ làm gia tăng bất ổn ở Biển Đông. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Vì vậy, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông, tình hữu nghị với các cường quốc là vấn đề mang tầm chiến lược đối với Việt Nam. Lịch sử quốc tế cũng cho thấy, không thể dựa vào một cường quốc để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quá trình đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại bài học vô cùng quý báu, đó là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính. Trong bối cảnh các nước đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có một cường quốc nào lại sẵn sàng đối đầu với một cường quốc khác để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho một nước thứ ba. Việc Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chính nghĩa; luôn nâng cao năng lực tự bao vệ đất nước; tranh thủ cao nhất sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế là quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

Biển, đảo gắn bó với người dân Việt Nam từ ngàn đời nay, là không gian sinh tồn, không gian phát triển, không gian linh thiêng của dân tộc ta. Biển có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như cuộc sống hòa bình, ổn định hiện có, là vấn đề chiến lược, việc đại sự, đòi hỏi phải có chủ trương, đường lối, đối sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả và bền vững. Do đó, để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam yêu nước rất cần có cái nhìn khách quan về tình hình Biển Đông, về đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề này của Đảng và Nhà nước, đồng thời tỉnh táo, cảnh giác, phản bác mạnh mẽ các luận điệu xuyên tạc, kích động mà những phần tử xấu đã và đang rắp tâm tạo ra.


Tác giả: Hoài Nhung