A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ tiềm ẩn khi chạy theo "cơn sốt" Chat GPT

Thời gian qua, Chat GPT là chủ đề nhận được lượng người quan tâm lớn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Chat GPT và OpenAI cũng lọt vào danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong những ngày đầu tháng 3 năm 2023. Sự nhạy bén của Chat GPT đang khiến người dùng toàn cầu và cũng như ở Việt Nam phấn khích, tuy nhiên, cũng ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng đang dần được lộ ra.

Cách mà Chat GPT vận hành

Xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2022, Chat GPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên được phát triển nhằm tạo ra một công cụ có khả năng phân tích, xử lý và hiểu ngôn ngữ con người. 

Đây là sản phẩm của OpenAI, một công ty được thành lập vào năm 2015 bởi các doanh nhân và nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, Sam Altman - cựu Chủ tịch của Y Combinator (công ty đỡ đầu cho các startup như Airbnb và Dropbox) hiện là CEO và đóng vai trò quan trọng. 

Startup này còn được đỡ đầu bởi nhiều nhân vật quyền lực tại thung lũng Silicon như tỷ phú công nghệ Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn - Peter Thiel. Microsoft của Satya Nadella cũng đã đầu tư lần đầu vào OpenAI vào năm 2019. 

Kể từ khi ra mắt công chúng, Chat GPT đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhờ khả năng đọc hiểu câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau và hồi đáp nhanh chóng. 

Chỉ 5 ngày sau khi ra mắt, chương trình máy tính này đã cán mốc 1 triệu người sử dụng. Tốc độ này bỏ xa các tượng đài công nghệ trước đó như Instagram (2,5 tháng), Spotify (5 tháng), Dropbox (7 tháng) hay Facebook (10 tháng). 

Chat GPT cho thấy độ hot cực lớn khi cán mốc 1 triệu người sử dụng chỉ sau 5 ngày

Về bản chất, Chat GPT là một mô hình học ngôn ngữ, được thiết kế để bắt chước cuộc trò chuyện của con người. Nó có thể nhớ những điều người dân đã nói với nó trong quá khứ và có khả năng tự sửa chữa khi sai. Nó có nhiều kiến thức vì được đào tạo trên tất cả các loại văn bản từ internet, chẳng hạn như Wikipedia, bài đăng trên blog, sách và các bài báo học thuật.

Trên thực tế, người dân có thể yêu cầu Chat GPT viết một bài báo bằng tiếng Anh hay Tiếng Việt. Thậm chí, những bài luận thi chứng chỉ Tiếng Anh cũng được Chat GPT viết chỉ trong vòng vài chục giây. Trên thực tế, những bài viết này đạt độ chính xác về ngữ pháp rất cao, thậm chí còn khó có thể phân biệt được người viết là học sinh hay một công cụ AI.

Ứng dụng mạo danh ChatGPT ngập tràn nền tảng di động

Tuy phổ biến nhưng nhiều người vẫn không biết đây là AI hoạt động trên nền web, chưa có phiên bản ứng dụng di động cài trên điện thoại hay các thiết bị cá nhân. Lợi dụng điều này, không ít nhà phát triển độc lập đã "ăn theo" và tạo ra nhiều phiên bản ứng dụng sử dụng từ khóa "Chat GPT" trong tên nhằm "đánh lận con đen", gây nhầm lẫn cho người dân.

Ứng dụng “nhái” chat GDP xuất hiện ngày càng nhiều trên các kho ứng dụng

Trên cả 2 kho phần mềm cho smartphone là App Store (iOS) và Play Store (Android), người dân không khó để tìm chương trình sử dụng tên hoặc biểu trưng (logo) tương tự với OpenAI - công ty phát triển Chat GPT. Số lượng tải về của các ứng dụng này đã lên tới nhiều triệu, trong đó có những app tới hơn một triệu lượt tải về và cài đặt.

Tuy vậy, đây chỉ là những chương trình mạo danh, không phải Chat GPT do OpenAI phát triển mà cả thế giới đang biết đến.

Hiện cách duy nhất để người dân được trải nghiệm trí tuệ nhân tạo của OpenAI là trên nền web, có nghĩa sử dụng trình duyệt trên các thiết bị kết nối Internet để truy cập vào đường dẫn tới giao diện của Chat GPT.

Người dân muốn trải nghiệm chatbot này phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác. Một phương án khác để có tài khoản là tìm kiếm ở những trang chia sẻ miễn phí trên mạng.

Đề phòng lừa đảo liên quan Chat GPT

Đối với loạt ứng dụng mạo danh trên các kho phần mềm di động, nhiều người dân đã thử tải về và không sử dụng được. Đặc biệt, có người dân phản ánh rằng một số ứng dụng không thể dùng và còn yêu cầu trả phí trước khi được trải nghiệm. Đây cũng là hiện tượng lừa đảo tiền thường gặp. Theo đó, nhà phát triển sẽ dụ dỗ người dùng trả tiền thuê bao theo chu kỳ (ngày, tuần, tháng hoặc năm). Khi họ chấp nhận thanh toán, gói thuê bao sẽ xác nhận việc tự động gia hạn mà không cần thông báo tới chủ tài khoản. Bằng cách này, lập trình viên của ứng dụng có thể thu tiền trong khi nạn nhân không hay biết và cũng chẳng cần quan tâm họ có sử dụng chương trình hay không.

Người dân khi tải ứng dụng về máy và đồng ý với hình thức thuê bao có trả phí cần lưu ý liên hệ nhà phát triển hoặc tìm hiểu các gói thuê bao, trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, người dân nên hủy gói để tránh mất tiền về sau. Mọi trường hợp xóa ứng dụng mà không hủy thuê bao trước đó đều vô dụng và vẫn mất tiền theo chu kỳ.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng giả mạo hiện nay yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân mới có thể đăng ký tài khoản được. Việc cung cấp thông tin cá nhân ở đây được hiểu đơn giản là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, CCCD, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng..., là tất cả những thông tin gắn liền với một cá nhân nào đó. Đây được coi “miếng mồi béo bở” của hoạt động thu thập thông tin tình báo, tội phạm mạng, khủng bố khi không có gì đảm bảo rằng các ứng dụng giả mạo sẽ đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân của người dân khi đăng ký sử dụng.

Ở một số nhóm công nghệ, các thành viên chia sẻ tài khoản để mọi người cùng sử dụng. Dịch vụ cho thuê tài khoản, tạo tài khoản sử dụng ChatGPT cũng vì thế mà trở nên "hot" trên các hội nhóm đang mọc như nấm sau mưa có liên quan. Khi dùng chung tài khoản ChatGPT, những câu hỏi riêng tư, hoặc thông tin bí mật của người dân sẽ được lưu lại. Vì lí do này, những người dùng chung một tài khoản sẽ nắm được thông tin để theo dõi, đọc trộm thông tin của những người khác. Hoặc có thể, khi người dân mua lại tài khoản, thì chính người bán là người có quyền kiểm soát tài khoản đó.

Các hội nhóm mua bán tài khoản Chat GPT “mọc như nấm sau mưa”

Vì vậy, việc trao đổi, mua bán này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo vì đây là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hướng đến.Việc mua, bán tài khoản tràn lan và nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, kẻ xấu có thể yêu cầu người mua chuyển khoản trước mà không cung cấp tài khoản, mật khẩu. Hoặc khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo có thể sẽ chặn liên lạc, hoặc đưa tài khoản không sử dụng được. Có khi, kẻ xấu sẽ dẫn dụ người mua đưa thông tin email và mật khẩu, người dân có thể bị đánh mất thông tin tài khoản và dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác khi tham gia các hoạt động liên quan đến Chat GPT trên không gian mạng nhằm tránh rơi vào các chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.


Tác giả: Trung Đức