A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo

Qua 10 năm thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh Kon Tum, về cơ bản các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã kiểm soát được hoạt động sử dụng, đốt pháo tràn lan; phát hiện xử lý kịp thời nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo; phần lớn các tổ chức, cá nhân đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

C:\Users\Admin\Downloads\lB7OYIvd_fCrRSh3MuoMpPKB5dsY371cr3OkZe1a18507jhjlIPnUpb6EVwkQp6-ByWoIcRvgqnUy1pVWwoVVpd9EdvMwKSP2N99mrQgsyqoV8yI6iW_K5RNMvgUpUY0q7aFZnvVYsRthndKgg

Lực lượng chức năng Công an tỉnh tiêu hủy pháo lậu (nguồn: Congankontum.gov.vn)

Với vị trí nằm ở ngã ba Đông Dương, Kon Tum giáp với hai nước Lào, Campuchia với đường biên giới dài 292,522 km. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố và 09 huyện), 102 đơn vị hành chính cấp xã (10 phường, 06 thị trấn và 86 xã, trong đó có 13 xã biên giới). Dân số tính đến tháng 06/2019 có 573.732 nhân khẩu, trong đó có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư phân bố không đồng đều. Nhìn chung điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn so với các tỉnh trong khu vực và mặt bằng chung của cả nước, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới… do đó, nhận thức và ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, các quy định về quản lý, sử dụng pháo nói riêng của một số bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác Công an.

Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vẫn tiểm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn như các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để dụ dỗ, lôi kéo, kích động biểu tình, bạo loạn nhằm chống phá Đảng và Nhà nước; tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện còn diễn ra; tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, mua bán, vận chuyển ma túy; số vụ việc vi phạm có liên quan đến pháo có chiều hướng tăng, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán… làm ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự ở địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng pháo, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP; định kỳ hàng năm (dịp Tết Nguyên đán) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo, đồng thời tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác Công an.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là công tác trọng tâm trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng pháo, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông địa phương (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, những nguy cơ và tác hại của việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép thông qua các tin, bài viết, phóng sự… Bên cạnh đó, các đơn vị, Công an các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền và lồng ghép vào các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa các tin, bài viết tuyên truyền các quy định của pháp luật, công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về pháo trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh. Qua đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức 108 lượt tuyên truyền, thu hút 25.780 lượt người tham gia; đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương.

Việc sử dụng pháo hoa cũng thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tổ chức 11 lần bắn pháo hoa với 3.280 thùng pháo hoa tầm thấp, 1.500 quả pháo hoa tầm cao.

Công tác đấu tranh, xử lý các vi phạm về pháo; vận động Nhân dân giao nộp pháo được chú trọng. Lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng liên quan (Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng…) đẩy mạnh công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo.

Từ tháng 6/2009 đến tháng 02/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 158 vụ – 166 đối tượng vi phạm về pháo, thu giữ 6.551,32 kg pháo các loại, 267 hộp pháo, 416 quả pháo, 504 viên pháo, 06 cây pháo hoa. Đã khởi tố điều tra 44 vụ – 57 đối tượng; trong đó, đề nghị truy tố 20 vụ – 30 đối tượng, tạm đình chỉ điều tra 01 vụ – 01 đối tượng (theo điểm c, khoản 1, Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), đang tiếp tục điều tra xử lý 23 vụ – 26 đối tượng. Xử phạt vi phạm hành chính 93 vụ – 109 đối tượng; trong đó, phạt tiền 91 vụ – 104 đối tượng với số tiền 379.000.000 đồng, phạt cảnh cáo 02 vụ – 05 đối tượng. Đang xác minh, làm rõ 21 vụ (do chưa xác định được đối tượng vi phạm).

Điển hình: Theo thông tin, qua công tác kiểm tra kiểm soát nhập cảnh vào sáng 1/2/2015, Tại Trạm Kiểm soát liên ngành cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) lực lượng Công an huyện Ngọc Hồi phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, đã phát hiện Bùi Văn Nam, sinh năm 1987, trú tại phường Yên Đỗ, thành phố PleiKu (Gia Lai) điều khiển xe ô tô bán tải, biển kiểm soát 81C – 037.93 nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra phương tiện này phát hiện trong cabin xe có 02 thùng giấy carton lớn chứa 10 cuộn giấy bên trong có chứa hình trụ tròn nghi là pháo nổ, tổng trọng lượng 22 kg không có giấy tờ hợp lệ. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Bùi Văn Nam khai nhận các ống hình tròn trên là pháo nổ nhãn hiệu CAKE 9SHOTS C xuất sứ từ Trung Quốc, được đối tượng mua từ bên Lào với mục đích vận chuyển về Việt Nam để sử dụng trong dịp Tết Ất Mùi 2015.

Đồng thời, các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã làm tốt công tác vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo và giao nộp pháo. Qua đó, đã vận động Nhân dân tự giác giao nộp được 14,4 kg pháo các loại.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo còn mỏng, trong khi đó một số tuyến, địa bàn quản lý rộng, phức tạp, tình trạng vi phạm có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng vi phạm dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, một số đối tượng vi phạm khi bị phát hiện bắt giữ rất manh động, liều lĩnh chống trả lực lượng chức năng để bỏ trốn;

Các đối tượng cầm đầu thường là người từ địa phương khác đến tỉnh Kon Tum để hoạt động và thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân địa phương để dụ dỗ, lôi kéo, thuê vận chuyển pháo trái phép qua biên giới vào nội địa bằng các đường tiểu ngạch gây không ít khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm; các đối tượng sử dụng pháo trái phép luôn có hành vi che giấu, lén lút, sử dụng ở các địa bàn công cộng và thường vào thời điểm trời tối… nên khi lực lượng chức năng phát hiện, đến nơi thì pháo đã nổ xong gây khó khăn trong việc xác định đối tượng vi phạm, có trường hợp phát hiện vi phạm nhưng tuổi còn nhỏ, vi phạm nhỏ lẻ.

Sự thay đổi trong quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về pháo cũng đặt ra những khó khăn cho lực lượng chức năng, cụ thể: Theo quy định trước đây, các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa…) thuộc danh mục hàng cấm, theo đó người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư năm 2014 ra đời và có hiệu lực từ 01/01/2017 thì chỉ có pháo nổ thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, chỉ xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về pháo nổ, còn vi phạm về pháo hoa và các loại pháo khác không xử lý hình sự mặc dù tính nguy hiểm cũng rất cao nên chưa có tính răn đe thích đáng.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng pháo, Công an tỉnh đề xuất: các cấp, các ngành nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các chế tài xử lý vi phạm về pháo theo hướng tăng tính răn đe; tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an và các lực lượng chức năng có liên quan như lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật về pháo, trong đó tập trung đấu tranh mạnh với các đối tượng nhập lậu pháo vào nội địa để tiêu thụ; quan tâm bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác này.

Thái Ngân