A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ và giải pháp đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” là một hiện tượng xã hội nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là công nhân, tiểu thương, người lao động có thu nhập thấp. Hoạt động “tín dụng đen” do các cá nhân, tổ chức cho vay trái pháp luật nhằm thu lợi nhuận rất cao. Các đối tượng này mời chào, tiếp thị cho vay với thủ tục dễ dãi, nhưng chỉ cần chấp nhận vay, người vay sẽ phải chịu một số giao kèo, mà sau này sẽ rất bất lợi cho bản thân.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn tại hoạt động này là do các tổ chức “tín dụng đen” có thể cho vay những món nhỏ lẻ, giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản. Hơn nữa, đối tượng tìm đến các khoản vay không hợp pháp này thường là nhóm người cần tài chính để giải quyết những mục đích không chính đáng như lô đề, cờ bạc…

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: cand.com.vn)

Trong hai năm trở lại đây, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trung bình mỗi năm lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ hàng nghìn vụ việc với hàng chục nghìn đối tượng liên quan. Không chỉ bị khởi tố về tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, hoạt động “tín dụng đen” còn kéo theo nhiều loại tội phạm khác như: Giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, xâm phạm chỗ ở người khác…

Một số vụ án tiêu biểu được Công an các tỉnh, thành phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây có thể kể đến như: Vụ nhóm thanh niên từ Hải Dương vào Đồng Nai cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 950% một năm; vụ Maksim Zubkov, 41 tuổi, quốc tịch Nga bị cáo buộc là người đứng sau, điều hành 6 công ty ở Sài Gòn cho vay online với lãi suất tới 2.555%/năm, cao gấp 128 lần quy định; vụ Lê Xuân Chiên cho vay nặng lãi 182%/năm, khủng bố người vay bằng cách nhắn tin đe dọa, tạt sơn, mắm tôm, dán cáo phó khắp phố...

Để ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xác thực tài khoản ngân hàng, xử lý tài khoản ảo, sim rác. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là công nhân, tiểu thương, người lao động có thu nhập thấp về những rủi ro khi vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” và giải pháp phòng tránh. Ngoài ra, các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân cần vươn đến tận các xã, phường trên khắp cả nước để cung cấp các gói vay lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn và hướng đến mọi đối tượng vay trong xã hội nếu đủ điều kiện.

Tín dụng đen là một vấn nạn xã hội cần được chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là sự đồng lòng của toàn xã hội. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chung tay phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động nguy hiểm này.


Tác giả: Hoàng Phúc