A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất hiện tình trạng giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo người dân

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền số như một con dao hai lưỡi. Nó vừa mang đến sự thuận tiện vừa đi kèm với những rủi ro. Ngày càng có nhiều đối tượng lừa đảo, lợi dụng chiếm đoạt tiền tinh vi hơn qua không gian mạng. Gần đây có rất nhiều vụ việc giả mạo đã xảy ra, không chỉ mạo danh cá nhân mà chúng còn giả danh các cơ quan nhà nước để lừa đảo người dân.

Giả mạo SMS brandname

Các đối tượng phạm tội thời gian gần đây tiến hành phát tán các tin nhắn giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo người dân, không chỉ tập trung ở ngân hàng hay doanh nghiệp thương mại điện tử lớn. Các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn giả mạo SMS Brandname - Tin nhắn thương hiệu của các cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng bằng cách lợi dụng chức năng “gom” các tin nhắn xuất phát từ “cùng” một Brand name vào làm một nhóm tin nhắn khiến kể cả người dân cảnh giác cũng khó có thể phân biệt được. Về cơ bản, hình thức lừa đảo giả mạo tin nhắn (SMS Brandname) vốn không phải là mới bởi nó đã xuất hiện từ cuối năm 2020..

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều người dân nhận được tin nhắn với tiêu đề “Bộ GTVT” có nội dung “Bộ Giao thông vận tải, xin thông báo ông/bà có biên lai chưa nộp phạt. Hôm nay là thông báo cuối cùng. Yêu cầu nhanh chóng giải quyết mọi thắc mắc Vui lòng liên hệ 0782232xxxx”. Dù không đi ô tô nhưng nhiều người dân vẫn nhận được tin nhắn từ “Bộ GTVT”.

Ngoài tin nhắn với tiêu đề “Bộ GTVT”, người dân còn nhận được cả tin nhắn từ “Bộ TT&TT” với nội dung “bộ thông tin và truyền thông trân trọng thông báo số thuê bao quý khách sẽ bị khóa trong vòng 24h tới mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 076650xxx để được hỗ trợ”.

Tin nhắn giả mạo Bộ GTVT mà người dân nhận được

Các tin nhắn như trên người dân nhận được là những tin nhắn mạo danh thương hiệu, không xuất phát từ cơ quan nhà nước hay nhà mạng, mà được phát tán qua thiết bị di động giả mạo. Các đối tượng phạm tội công nghệ cao kiểu này thường thiết lập trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin quảng cáo dịch vụ, tin nhắn giới thiệu các trang web cờ bạc...đến điện thoại của người dân. Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, thiết bị nhỏ gọn, thường xuyên thay đổi vị trí, địa điểm phát tán hoặc có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện vận tải nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Như vậy, hiện nay đối tượng thực hiện các chiến dịch tấn công lừa đảo không chỉ nhắn đến giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính mà còn mạo danh cả cơ quan nhà nước để lừa đảo người dùng. Việc mạo danh các cơ quan nhà nước sẽ khiến cho tin nhắn của kẻ lừa đảo trở nên “nghiêm túc” và mang tính “tin cậy” cao hơn so với các ngân hàng hay doanh nghiệp thương mại. Bởi lẽ, thực tế không phải ai cũng giao dịch hay có tài khoản ở tất cả các ngân hàng, nhưng với cơ quan nhà nước thì người dân nào cũng thấy mình “có liên quan”. Đánh vào tâm lý này, các đối tượng lừa đảo dễ dẫn dụ nạn nhân làm theo các kịch bản mà chúng chuẩn bị sẵn và bị mất tiền. 

Lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngày càng phổ biến

Theo phản ánh của nhiều người dân, bên cạnh các tin nhắn giả mạo thương hiệu thì người dân liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa sẽ bị “khóa thuê bao điện thoại”; các đối tượng lừa đảo cũng đã mạo danh nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau để yêu cầu người dân thực hiện các thao tác nhằm chiếm quyền nhận cuộc gọi, từ đó lừa chiếm đoạt tiền.

Bên cạnh đó, liên quan tới việc giả mạo tin nhắn thương hiệu SMS Brandname của các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Techcombank, VPBank, ACB, SCB… với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn giả mạo SMS Brandname để gửi tin nhắn giả mạo, tuy các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo xong tình trạng người dân bị các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp diễn.

Không những thế, đối tượng tấn công có thể giả mạo công an gửi tin nhắn truy nã, lệnh bắt giữ để yêu cầu người dùng cung cấp căn cước công dân, số điện thoại…và thực hiện theo hướng dẫn của chúng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng, Phòng An ninh mạng và Phòn chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Kon Tum khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.

Trước hết, người dân luôn luôn phải cảnh giác với những thuê bao lạ (không được lưu trong danh bạ điện thoại) khi có cuộc gọi đến, xác minh danh tính, yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt tuyệt đối không thực hiện bất cứ giao thức lạ nào nếu như thấy khả nghi.

Đặc biệt khi nhận được các tin nhắn với những dấu hiệu nêu trên, người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu trong tin. Cần biết rằng, hiện nay các cơ quan chức năng khi liên hệ làm việc sẽ không thông qua tin nhắn, cuộc gọi hay bất kỳ hình thức làm việc online nào.

Trung Đức

 


Tác giả: Trung Đức
Tin liên quan