A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công dân không bắt buộc đổi Căn cước công dân gắn chíp thành Căn cước

Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 01/7/2024). Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân sang luật Căn cước, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là Thẻ Căn cước. Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước. Trường hợp Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Điều 46 Luật Căn cước quy định rõ: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước. Trường hợp chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. 

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Quy định về việc sử dụng Căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ Căn cước cấp theo quy định.

Ảnh. Công dân thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước khi có nhu cầu

Khi người dân đến làm thẻ Căn cước mới, đến cấp đổi lại thẻ Căn cước theo nhu cầu thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin về dữ liệu mống mắt bằng thiết bị chuyên dụng để làm giàu dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước, tại Điều 23 Luật Căn cước quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước:

- Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên:

Bước 1: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ Căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Căn cước.

Bước 2: Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

Bước 3: Người cần cấp thẻ Căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin Căn cước.

Bước 4: Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước.

Bước 5: Trả thẻ Căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ Căn cước có yêu cầu trả thẻ Căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý Căn cước trả thẻ Căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người cần cấp thẻ Căn cước phải trả phí dịch vụ chuyển phát. 

- Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi:

Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý Căn cước cấp thẻ Căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau: 

Bước 1: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước. Cơ quan quản lý Căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.

Bước 2: Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23.

Bước 3: Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục còn lại cấp thẻ Căn cước thay cho người đó.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 23.

Trường hợp từ chối cấp thẻ Căn cước thì cơ quan quản lý Căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước:

Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện, thành phố và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tỉnh chịu trách nhiệm quản lý Căn cước của Công an tỉnh nơi công dân cư trú làm nhiệm vụ tiếp nhận thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân...

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan